Ấn Độ mới đây đặt mục tiêu sẽ đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2040, trước mắt khởi động là sự kiện phóng thử nghiệm tàu du hành có khả năng đưa người vào vũ trụ vào ngày 21/10.
Ấn Độ mới đây đặt mục tiêu sẽ đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2040, trước mắt khởi động là sự kiện phóng thử nghiệm tàu du hành có khả năng đưa người vào vũ trụ vào ngày 21/10.
Ấn Độ tiếp tục thực hiện giấc mơ chinh phục không gian. Ảnh: ISRO. |
Tham vọng của Ấn Độ
Cách đây ít ngày, Ấn Độ đã chính thức công bố tham vọng đưa người lên thám hiểm Mặt Trăng vào năm 2040. Mục tiêu này được đưa ra trên cơ sở chỉ thị của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đối với Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), bao gồm cả kế hoạch xây dựng Trạm vũ trụ vào năm 2035.
Tham vọng chinh phục không gian của Ấn Độ được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi nước này hạ cánh thành công tàu thám hiểm lên bề mặt Mặt Trăng hồi tháng 8 năm nay.
Sau thành công đó, Ấn Độ đã kịp phóng một tàu vũ trụ khác vào không gian để bắt đầu tiến hành nghiên cứu Mặt Trời.
Ngày 21/10, nước này cũng sẽ lần đầu tiên phóng thử nghiệm tàu du hành có người lái của mình để đảm bảo cho mục tiêu đó. Chương trình du hành vũ trụ có người lái Gaganyaan của Ấn Độ từng bị trì hoãn, hiện nhằm mục đích đưa ba phi hành gia lên quỹ đạo thấp của Trái Đất vào năm 2025.
Gaganyaan sẽ bao gồm 20 cuộc thử nghiệm lớn, bao gồm 3 lần phóng tên lửa để thử nghiệm các phương án trong thời gian còn lại của năm nay và cả những năm tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng, như Thủ tướng Ấn Độ Modi đã “đặt hàng” với các cơ quan chức năng nước này là hướng tới việc xây dựng một trạm vũ trụ của nước này vào năm 2035 và đưa phi hành gia Ấn Độ đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2040.
Theo đó, Ấn Độ hy vọng sẽ có một trạm vũ trụ nặng 20 tấn trên quỹ đạo cố định cách Trái đất 400 km, có khả năng tiếp đón các phi hành gia từ 15 đến 20 ngày một lần.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, ISRO sẽ phát triển lộ trình khám phá Mặt Trăng, tiếp đến là các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời như Sao Kim và Sao Hỏa. ISRO đang lên kế hoạch xây dựng một tàu du hành để khám phá sao Kim có tên Shukrayaan-1 để nghiên cứu bề mặt của hành tinh có sức nóng khủng khiếp này.
Thành tựu hạ cánh được tàu thám hiểm lên bề mặt Mặt Trăng hồi tháng 8 đã mang lại cho chính phủ và các nhà khoa học Ấn Độ những hy vọng và quyết tâm để triển khai các tham vọng tiếp theo trên không gian.
Như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã từng nói: “Không gian là không giới hạn”, ước mơ của người dân Ấn Độ cũng là không giới hạn.
Họ có thể đặt ra các mục tiêu tiếp theo để từng bước chinh phục. Phát triển khoa học không gian để giúp nâng cao tiềm lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học của đất nước, qua đó tác động tới toàn bộ sự phát triển và tiến bộ trong tương lai.
Sự chuẩn bị của Ấn Độ
Những thành tựu liên tiếp về nghiên cứu và chinh phục không gian của Ấn Độ thời gian qua là thành quả của hàng thập kỷ tập trung đầu tư và nghiên cứu, thử nghiệm của nước này.
Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đóng một vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ khám phá vũ trụ của đất nước bên cạnh sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội, chính phủ, xã hội và các ngành công nghiệp của Ấn Độ nói chung.
Các sứ mệnh không gian của Ấn Độ bắt đầu vào những năm 1970 với sự hỗ trợ của Liên Xô bằng việc phóng hai vệ tinh đầu tiên.
Nhưng phải tới khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền năm 2014, ngân sách cho nghiên cứu vũ trụ của Ấn Độ mới thực sự được bổ sung đáng kể.
Năm 2014, ngân sách dành cho lĩnh vực này của Ấn Độ tăng lên gần 800 triệu USD, tăng 50% so với năm trước đó. Mỗi năm trôi qua ngân sách dành cho công nghiệp vũ trụ tăng lên đều đặn.
Đầu tư nhà nước của Ấn Độ trong năm nay đạt khoảng 1,7 tỷ USD cho lĩnh vực này. Đầu tư gia tăng đã mang lại các kết quả cụ thể với việc tải trọng mỗi lần phóng được nâng lên cùng độ chính xác trong mỗi lần phóng được gia tăng.
Tần suất phóng tên lửa vào vũ trụ của Ấn Độ được cải thiện đáng kể giúp thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Trong 7 năm qua, 58 vệ tinh đã được ISRO đưa vào vũ trụ nếu so với tổng cộng 128 vệ tinh được phóng lên trong 5 thập kỷ.
Không phải tất cả các cuộc phóng vệ tinh của Ấn Độ đều thành công nhưng nước này đã làm chủ công nghệ này. Ấn Độ đã phóng được 27 vệ tinh địa đồng bộ/địa tĩnh (trong đó 17 vệ tinh tự phóng và 10 vệ tinh nhờ bệ phóng của châu Âu).
Nhìn chung, Ấn Độ đã có thể tự mình phóng được hầu hết các vệ tinh vào lúc này. Thời kỳ này cũng chứng kiến Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ ưu tú gồm các quốc gia có khả năng phóng tàu thăm dò lên Sao Hỏa.
ISRO cũng tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ vũ trụ với sinh viên và các trường đại học của mình với việc phóng nhiều vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ do các trường đại học Ấn Độ tự chế tạo.
Cũng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới việc các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào lĩnh vực khám phá không gian. Chính các công ty tư nhân, với các hợp đồng phụ đã giúp đã nâng cao tần suất phóng tàu vũ trụ của Ấn Độ lên gấp hơn hai lần.
Cuộc đua giữa các cường quốc không gian
Thành công trong lĩnh vực chinh phục không gian từ lâu không chỉ mang lại các kết quả khoa học đơn thuần.
Đây còn là chỉ dấu về năng lực công nghệ tổng thể của quốc gia ở đẳng cấp cao, cùng tham vọng vươn ra chinh phục các lĩnh vực mới, khai phá các tiềm năng, tài nguyên mới mà mỗi quốc gia đều mong muốn.
Các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga (trước đây là Liên Xô), hay Trung Quốc nếu muốn khẳng định mình ở tầm thế giới đều đã và đang dành tiền của và tài lực cho các mục tiêu này. Ấn Độ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Với bài kiểm tra về năng lực khoa học công nghệ vũ trụ, Ấn Độ đã nâng tầm bản thân như một trong những thành viên ưu tú nhất của cộng đồng khoa học toàn cầu.
Vị thế này cho phép quốc gia Nam Á tham gia và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cường quốc khác.
Đó có thể có sự tập hợp chuyên môn cũng như các chương trình chuyển giao công nghệ, dẫn đến việc ứng dụng các công nghệ vũ trụ sang các lĩnh vực khác của xã hội.
Các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế sâu sắc hơn có thể xuất hiện từ những thỏa thuận khoa học và kỹ thuật riêng biệt này.
Ví dụ cụ thể là thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3 hồi tháng 8 giúp minh họa giá trị của Hiệp định Artemis mà Ấn Độ ký cùng Mỹ.
Đây là một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quốc tế để thám hiểm không gian tới Sao Hỏa, cũng như đưa con người lên Mặt Trăng.
Thành công của Ấn Độ cũng có thể mang khía cạnh an ninh và chính trị. Các nước láng giềng vốn tồn tại nhiều hiềm khích với Ấn Độ như Pakistan hay Trung Quốc có thể xem đây như lời thách thức địa chính trị.
Ẩn ý ở đây có thể là Ấn Độ có đủ tiềm lực công nghệ và các mối quan hệ quốc tế để đối đầu với bất cứ thách thức sát sườn nào trong tương lai.
Giống như các cuộc chạy đua ảnh hưởng trên Trái Đất, các nỗ lực tiến vào không gian hiện tại cũng cạnh tranh không kém. Chúng ta có thể thấy điều đó với việc Ấn Độ đặt mục tiêu đưa người lên không gian, thiết lập trạm vũ trụ, khám phá các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.
Đây cũng là các mục tiêu mà nhiều cường quốc khác đã và đang gấp rút triển khai. Điều này chắc chắn là tốt cho nhân loại.
Hy vọng rằng sẽ có nhiều thỏa thuận trao đổi và hợp tác để thế giới có thể tận dụng được các thành tựu của công nghệ vũ trụ cho sự phát triển ở tương lai.
Theo Phan Tùng/VOV