Ngày 17/10, Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã ký kết thỏa thuận nhằm bảo đảm cuộc bầu cử Tổng thống tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ diễn ra vào năm 2024.
Ngày 17/10, Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã ký kết thỏa thuận nhằm bảo đảm cuộc bầu cử Tổng thống tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ diễn ra vào năm 2024.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: Reuters) |
Theo thỏa thuận được ký kết tại Barbados, cuộc bầu cử Tổng thống mới của Venezuela sẽ được tổ chức vào cuối năm 2024, trong đó các quan sát viên quốc tế được phép tham gia theo dõi cuộc bầu cử này.
Ngoài ra, mỗi đảng phái chính trị có quyền lựa chọn một ứng cử viên theo quy chế nội bộ vài ngày trước khi phe đối lập chính thức tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 22/10 tới.
Sau thỏa thuận vừa đạt được giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập, Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố một số biện pháp nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với ngành dầu mỏ của Caracas.
Trước đó, ngày 16/10, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với ngành dầu mỏ của Venezuela với điều kiện nước này tổ chức bầu cử Tổng thống công bằng vào năm 2024.
Trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga, bên cạnh quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), thị trường kỳ vọng thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với ngành dầu mỏ của Caracas có thể xoa dịu áp lực thâm hụt trên thị trường, gây sức ép lên giá dầu.
Ông William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết, thỏa thuận đạt được sẽ giúp thúc đẩy sản lượng dầu của Venezuela. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng này, để đưa sản lượng trở lại mức của 1 thập kỷ trước cần sự đầu tư khổng lồ. Bởi vậy, điều này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng thâm hụt trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong thời gian tới.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gần đây khẳng định, nước này đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa và điều chỉnh các mối quan hệ với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Venezuela vốn rất căng thẳng từ năm 2019, dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Ngày 5/8/2019, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đóng băng toàn bộ tài sản của Chính phủ Venezuela và cấm mọi giao dịch đối với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo sắc lệnh này, bất cứ cá nhân hay công ty nước ngoài hoặc của Mỹ giao dịch hoặc hỗ trợ cá nhân liên quan tới Chính phủ Tổng thống Maduro đều sẽ bị trừng phạt.
Lệnh trừng phạt này không nhắm tới người dân Venezuela bao gồm cả việc những người này tiếp cận với nguồn kiều hối. Đây là lần đầu tiên Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt này đối với Venezuela trong vòng hơn 30 năm.
Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng đã đóng băng hàng tỷ USD của Venezuela ở nước ngoài cũng như ngăn các giao dịch dầu thô, vốn chiếm tới 96% nguồn thu của quốc gia Nam Mỹ, qua đó gây kiệt quệ nền kinh tế và đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng sâu sắc với nhiều hệ lụy.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Chính quyền Washington đang hướng đến một cách tiếp cận mềm mỏng hơn, trong đó có thể kể đến việc không còn đề cập tới những đòi hỏi dưới thời của người tiền nhiệm Donald Trump như yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro từ chức, thành lập một Chính phủ song song hoặc đe dọa can thiệp, đồng thời chấp nhận việc đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các bên đối lập. Đây là sự điều chỉnh đáng kể quan điểm của Mỹ đối với Venezuela.
Hồi tháng 3/2022, hai nước đã nối lại các cuộc tiếp xúc ở một mức độ nhất định khi Tổng thống Joe Biden cử một phái đoàn đến Caracas để đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Maduro về vấn đề cung ứng dầu mỏ, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gia tăng do các căng thẳng địa chính trị./.
Theo H.Hà (Theo Reuters, The Washington Post)