Sự khan hiếm nước đang trở thành mối đe dọa kinh tế toàn cầu

08:06, 16/06/2023

Sự khan hiếm nước đang trở thành mối đe dọa kinh tế toàn cầu, trong đó châu Á là một trong những khu vực sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Liên hiệp quốc (LHQ) đang bắt tay giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu từ lâu đã bị bỏ qua.

Một phụ nữ đi trên lòng hồ khô nứt nẻ tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ hồi tháng 5/2022.
Một phụ nữ đi trên lòng hồ khô nứt nẻ tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ hồi tháng 5/2022.

Sự khan hiếm nước đang trở thành mối đe dọa kinh tế toàn cầu, trong đó châu Á là một trong những khu vực sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Liên hiệp quốc (LHQ) đang bắt tay giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu từ lâu đã bị bỏ qua.

Tại hội nghị về nước diễn ra mới đây của LHQ, lần đầu tiên sau 46 năm thế giới cùng nhau thảo luận về nước. Vấn đề được đưa ra tại hội nghị này nhằm yêu cầu các quốc gia phải hành động ngay bây giờ.

Giám đốc điều hành Hội đồng về Năng lượng, môi trường và nước, cho biết châu Á là một trung tâm công nghiệp đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất và điều này đòi hỏi một lượng nước dồi dào.

Không chỉ những ngành công nghiệp cũ như sản xuất thép mà cả các ngành mới hơn như sản xuất chip bán dẫn và tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đều cần rất nhiều nước.

Sự khan hiếm nước đang ảnh hưởng lớn tới một số nền kinh tế lớn ở châu Á. Theo đó, mặc dù chiếm 18% dân số hành tinh, Ấn Độ chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số và hiện là quốc gia thiếu nước nhất thế giới.

Đất nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào mưa do gió mùa để đáp ứng nhu cầu nước, đồng thời bị lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu tấn công, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước.

Trung Quốc- nơi nhiều vùng nông nghiệp đang oằn mình trong hạn hán cũng gặp thêm một khó khăn khác là khoảng 80-90% nước ngầm không phù hợp để tiêu thụ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ vượt nguồn cung từ 40-50% vào năm 2030. LHQ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu với hệ lụy trên nhiều mặt.

Ông Henk Ovink- đặc phái viên phụ trách vấn đề nước của Hà Lan, cho biết tình hình hiện tại đang rất nguy cấp. “Chúng ta đã phá hỏng vòng tuần hoàn nước.

Chúng ta đã lấy quá nhiều nước từ lòng đất đồng thời gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện có quá nhiều nước có trong không khí đang tác động đến môi trường, nền kinh tế và cộng đồng của chúng ta thông qua biến đổi khí hậu”- ông Henk nói và cho biết thêm rằng ông chưa bao giờ lo lắng đến thế.

Hệ lụy của vấn đề này đồng nghĩa có nơi xảy ra hạn hán trong khi nơi khác chịu cảnh lũ lụt, trong một chu trình thủy văn đang trở nên tồi tệ hơn do sự nóng lên toàn cầu gây ra bởi con người. LHQ cho biết đang có 2,3 tỷ người chịu cảnh thiếu nước.

Vào năm 2020, 2 tỷ người không có nước uống, 3,6 tỷ người không có nhà vệ sinh tại nhà và 2,3 tỷ người không thể rửa tay tại nhà. Điều kiện vệ sinh kém như vậy đã dẫn đến nhiều bệnh tật trong cộng đồng.

Hiện trạng này khác xa so với các mục tiêu phát triển bền vững do LHQ đặt ra vào năm 2015, một trong số đó là “đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và đảm bảo vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.

Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala của Tổ chức Thương mại thế giới là đồng tác giả của một báo cáo gần đây, chỉ trích một “cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống gây ra bởi sự quản lý sai lầm của con người kéo dài hàng thập niên”.

Bà cho rằng, chúng ta cần phát triển một nền kinh tế về nước mới để giảm lãng phí nước, cải thiện hiệu quả sử dụng nước và tạo cơ hội cho người dân được sử dụng nguồn nước công bằng hơn.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Hội nghị cấp cao của LHQ sắp tới, chính phủ và các bên tham gia trong khu vực công và tư nhân được mời trình bày các đề xuất cho Chương trình hành động vì nước.

Hội nghị về nước này phải cùng nhau đi đến một Chương trình hành động về nước mang tính đột phá để giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến nước”.

Các nhà tổ chức mong đợi các bên tham gia sẽ đưa ra các cam kết trong hội nghị, dù lớn hay nhỏ. Theo đó, mọi cam kết đều có tầm quan trọng đặc biệt vì nó có thể mang lại sự thay đổi trong cuộc sống người dân, dù chỉ trong phạm vi một hộ gia đình, một trường học, một ngôi làng, một thành phố.

BÙI THANH (theo thanhnien.vn)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh