Nhật Bản hạ cấp dịch Covid-19: Quyết định táo bạo

01:01, 30/01/2023

Chính phủ Nhật Bản thông báo hạ cấp dịch Covid-19 xuống ngang với dịch cúm mùa. Quyết định được đánh giá là táo bạo nhằm hướng tới việc đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường ở xứ Phù Tang.

Chính phủ Nhật Bản thông báo hạ cấp dịch Covid-19 xuống ngang với dịch cúm mùa. Quyết định được đánh giá là táo bạo nhằm hướng tới việc đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường ở xứ Phù Tang.

Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Quyết định hạ cấp dịch được đưa ra sau khi hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) nhất trí đưa dịch Covid-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, nhằm đưa người dân xứ sở Mặt trời mọc trở lại cuộc sống bình thường dù nước này đang căng sức đối phó đợt bùng phát dịch thứ 8. Thông báo của Chính phủ Nhật Bản được các nhà sản xuất, dịch vụ và du lịch hồ hởi đón nhận.

Nhật Bản phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên ngày 15/1/2020. Không lâu sau đó, xứ Phù Tang phải đối mặt đợt bùng phát của dịch Covid-19 từ các du khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess ở ngoài khơi Yokohama.

Tính tới mùa xuân 2021, Nhật Bản đã trải qua ba đợt bùng phát dịch. Sau đó, mặc dù thực hiện chương trình tiêm chủng từ tháng 2/2021, nhưng nước này vẫn phải chật vật chống chọi đợt bùng phát thứ 4 do sự xuất hiện của biến thể Alpha.

Ngay trước khi đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo tháng 7/2021, Nhật Bản trải qua đợt bùng phát thứ 5 với sự bùng phát của biến thể Delta.

Năm 2022, Nhật Bản tiếp tục đối mặt ba đợt bùng phát khác do sự xuất hiện của Omicron và các biến thể phụ, trong đó mạnh nhất là đợt bùng phát thứ 7, diễn ra trong gần như cả quý III/2022, với số ca nhiễm mới cao nhất lên tới 255.485 ca vào ngày 18/8/2022.

Thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang trong đợt bùng phát thứ 8, chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron. Tuy nhiên, khác với hai đợt bùng phát trước đó, trong đợt bùng phát hiện nay, số ca tử vong ở Nhật Bản tăng khá mạnh dù đã bước vào năm thứ 4 của dịch Covid-19.

Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 62.264 ca tử vong. Riêng từ tháng 12/2022 tới nay, Nhật Bản ghi nhận 12.620 người chết liên quan Covid-19.

Ðáng chú ý, nước này ghi nhận 4.998 ca tử vong trong hai tuần đầu tiên của tháng 1/2023, tăng khá mạnh so với các con số 1.864 và 2.985 lần lượt của tháng 10 và 11/2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng, con số gần 5.000 ca nêu trên lại giảm so với 7.622 ca của tháng cuối cùng năm ngoái và là chiều hướng khá lạc quan.

Giáo sư Atsuo Hamada (Át-xư-ô Ha-ma-đa) tại Ðại học Y Tokyo, cho rằng do chính phủ không còn yêu cầu phải xác định tất cả các ca nhiễm mới cho nên nhiều khả năng, số ca nhiễm mới trên thực tế của đợt bùng phát thứ 8 có thể cao hơn so với đợt bùng phát thứ 7.

Bên cạnh đó, các cụm lây nhiễm đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các cơ sở chăm sóc người già, nơi có nhiều người có các bệnh lý nền.

Vì vậy, Giáo sư Hamada nhấn mạnh, để giảm số ca tử vong cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch ở người cao tuổi bằng cách tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở dưỡng lão.

Từ năm 2022, trong nỗ lực bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp khá quyết liệt khi liên tục rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhiễm bệnh và nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, việc hạ cấp dịch Covid-19 xuống ngang với dịch cúm mùa vẫn được coi là quyết định táo bạo của Chính phủ Nhật Bản.

Theo ông Natsuo Yamaguchi (Nát-xư-ô Y-a-ma-gu-chi), Chủ tịch đảng Công minh trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục chi trả chi phí y tế liên quan dịch Covid-19, bao gồm cả chương trình tiêm chủng, và sẽ từng bước rà soát lại hệ thống dịch vụ y tế, cũng như đang cân nhắc về các quy định bắt buộc đeo khẩu trang vào ngày 8/5 tới.

Dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và coi Covid-19 là loại cúm mùa thông thường đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, và Nhật Bản cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Quyết định của xứ Phù Tang và nhiều nước là nhằm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đồng thời đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Theo BẢO MINH/NDO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh