Thế giới không nên chủ quan mà cần thận trọng trong ứng phó với dịch bệnh, bao gồm Covid-19 - đây là nhận định chung của nhiều tổ chức quốc tế trong bối cảnh đại dịch này đã bước sang năm thứ 4 liên tiếp và vẫn gây không ít quan ngại cho nỗ lực dập dịch của thế giới.
Bệnh nhân Covid-19. Ảnh: ABC. |
Thế giới không nên chủ quan mà cần thận trọng trong ứng phó với dịch bệnh, bao gồm Covid-19 - đây là nhận định chung của nhiều tổ chức quốc tế trong bối cảnh đại dịch này đã bước sang năm thứ 4 liên tiếp và vẫn gây không ít quan ngại cho nỗ lực dập dịch của thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 14 kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua tuyên bố, đại dịch Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Lý giải về nhận định này, theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, sở dĩ giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng khả năng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng vẫn còn hạn chế.
“Ủy ban Khẩn cấp đã họp và khuyến cáo Covid-19 vẫn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu và tôi đồng ý với ý kiến này. Khi chúng ta bước sang năm thứ tư của đại dịch, không còn nghi ngờ gì nữa, hiện tại chúng ta đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng Omicron lên đến đỉnh điểm. Nhưng kể từ đầu tháng 12, số ca tử vong được báo cáo hàng tuần đã tăng lên. Trong tám tuần qua, hơn 170.000 người đã thiệt mạng vì Covid-19. Và đó chỉ là những ca tử vong được báo cáo. Con số thực tế còn cao hơn nhiều. Chúng ta không thể kiểm soát virus, nhưng chúng tôi có thể làm nhiều hơn để giải quyết các lỗ hổng trong quần thể và hệ thống y tế.”
Cùng chung quan điểm với Tổ chức Y tế Thế giới, tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khẳng định: Đại dịch Covid-19 vẫn là mối quan tâm của thế giới. Các nước cần phải có sự chuẩn bị ứng phó với với nhiều chứ không phải một mối nguy hiểm. Các xã hội chỉ trở nên thực sự kiên cường thông qua việc lập kế hoạch cho các loại thảm họa khác nhau, vì các thảm họa có thể xảy ra đồng thời trong bối cảnh các thảm họa liên quan đến khí hậu và các đợt bùng phát dịch bệnh gia tăng trong thế kỷ này, trong đó có đại dịch Covid-19. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cũng đề ra các khuyến nghị về giảm thiểu những thảm họa trong tương lai có quy mô giống như đại dịch Covid-19.
Tổng Thư ký Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Jagan Chapagain nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng toàn cầu để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo. Đại dịch tiếp theo có thể sắp xảy ra, nếu trải nghiệm về dịch bệnh Covid-19 không đẩy nhanh các bước chuẩn bị của chúng ta. Chuẩn bị ở đây có nghĩa là sẵn sàng ứng phó, phục hồi và rút ra bài học cho lần sau. Nói cách khác, sự chuẩn bị là một quá trình liên tục và liên tục.”
Vào ngày 30/1/2020, khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp y tế toàn cầu, thế giới ghi nhận chưa đến 100 ca bệnh và không có trường hợp tử vong nào được phát hiện bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, thế giới đã có hơn 752 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 được báo cáo cho WHO, trong đó có hơn 6,8 triệu người tử vong, mặc dù con số thực được cho là cao hơn nhiều. Với nỗ lực và quyết tâm cao, thế giới đã có bước tiến thần tốc trong việc điều chế vaccine trong việc ngăn chặn và đẩy lui dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau chiến dịch tiêm phòng vaccine mạnh mẽ trên, thế giới đã có phần nới lỏng trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các biến thể phụ mới có cơ hội xuất hiện, qua đó làm tăng số ca mắc và số ca tử vong do Covid-19, nhất là từ giai đoạn tháng 12 vừa qua. Thực tế này cho thấy thận trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ không bao giờ là thừa. Một khi chúng ta buông lỏng kiểm soát, dịch bệnh nói chung và đại dịch Covid-19 sẽ có cơ hội bùng phát trở lại và trở thành mối quan ngại lớn đối với thế giới./.
Theo Hồng Nhung/VOV1
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin