Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 15 đưa 3 phi hành gia vào vũ trụ

12:11, 30/11/2022

Lần đầu tiên, 6 phi hành gia Trung Quốc cùng có mặt trên không gian, sau sứ mệnh phóng tàu Thần Châu 15 vào vũ trụ được thực hiện đêm qua, đánh đấu Trung Quốc sắp hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung.

Lần đầu tiên, 6 phi hành gia Trung Quốc cùng có mặt trên không gian, sau sứ mệnh phóng tàu Thần Châu 15 vào vũ trụ được thực hiện đêm qua, đánh đấu Trung Quốc sắp hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung.

Sáu phi hành gia Trung Quốc cùng lúc có mặt trên trạm vũ trụ. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)
Sáu phi hành gia Trung Quốc cùng lúc có mặt trên trạm vũ trụ. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)

Thông tin từ Văn phòng Công trình hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc cho biết, lúc 23 giờ ngày 29/11 (giờ địa phương), tên lửa đẩy Trường Chinh 2F Yao15 mang theo tàu vũ trụ Thần Châu 15, đã được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, miền tây bắc Trung Quốc.

Khoảng 10 phút sau khi rời bệ phóng, tàu vũ trụ Thần Châu 15 đã phân tách khỏi tên lửa đẩy, để vào quỹ đạo định trước, 3 phi hành gia đều trong trạng thái ổn định, đánh dấu nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ thành công tốt đẹp.

Đến 5 giờ 42 phút sáng 30/11, trải qua quá trình cập bến diễn ra trong khoảng 6,5 tiếng, tàu Thần Châu 15 đã kết nối với cửa trước của mô-đun lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ. Đến 7 giờ 33 phút, 3 phi hành gia của tàu Thần Châu 14 đang ở trong trạm vũ trụ, đã mở cửa đón chào phi hành đoàn Thần Châu 15 bước vào trạm vũ trụ.

Đây là lần đầu tiên, hai phi hành đoàn Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ thay thế và bàn giao công việc ngay trên trạm vũ trụ. 6 phi hành gia sẽ cùng làm việc và sinh hoạt trên trạm vũ trụ trong khoảng 5 ngày.

Tàu vũ trụ Thần Châu 15 được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Trường Chinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Tàu vũ trụ Thần Châu 15 được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Trường Chinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Dự kiến, 3 phi hành gia của tàu vũ trụ Thần Châu 15 gồm Phí Tuấn Long, Đặng Thanh Minh và Trương Lục sẽ làm việc trên quỹ đạo trong thời gian 6 tháng. Họ sẽ có nhiều chuyến đi bộ ngoài không gian, để triển khai các nhiệm vụ lắp đặt, thử nghiệm, bảo trì và sửa chữa các thiết bị trong và ngoài mô-đun, cũng như nhiều thí nghiệm khoa học hàng không vũ trụ.

Theo ông Quý Khởi Minh, người phát ngôn Công trình hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc, sứ mệnh của tàu Thần Châu 15 có ý nghĩa chuyển tiếp quan trọng, triển khai những nhiệm vụ cuối của giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ, đồng thời khởi động những công việc đầu tiên trong giai đoạn ứng dụng và phát triển trạm vũ trụ Trung Quốc.

Đây là sứ mệnh thứ 27 trong chương trình phát triển hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc, cũng là sứ mệnh đưa người lên vũ trụ thứ 4 kể từ khi Trung Quốc khởi động việc xây dựng trạm vũ trụ. Hoàn thành sứ mệnh lần này, đánh dấu việc kết thúc toàn bộ sứ mệnh phóng tàu vụ trụ trong giai đoạn xây dựng và kiểm chứng các công nghệ cốt lõi của trạm vũ trụ.

Ba phi hành gia Phí Tuấn Long, Đặng Thanh Minh và Trương Lục trước giờ khởi hành. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Ba phi hành gia Phí Tuấn Long, Đặng Thanh Minh và Trương Lục trước giờ khởi hành. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Dự kiến, trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc với cấu trúc hình chữ “T” gồm 3 mô-đun: Mô-đun lõi Thiên Hòa và các mô-đun thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên, sẽ xây dựng xong vào cuối năm nay, từ đó bảo đảm cho sinh hoạt và làm việc lâu dài của các phi hành gia trên không gian, triển khai các nghiên cứu khoa học-công nghệ về hàng không vũ trụ.

Theo HỮU HƯNG/Báo điện tử Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh