Ứng phó với bão lạm phát

10:09, 24/09/2022

Cơn bão lạm phát đang càn quét nhiều khu vực trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới vừa tạm thoát khỏi dịch Covid-19, kiềm chế lạm phát nhưng phải đi đôi với tăng trưởng kinh tế là bài toán khó không chỉ của một vài quốc gia.

Cơn bão lạm phát đang càn quét nhiều khu vực trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới vừa tạm thoát khỏi dịch Covid-19, kiềm chế lạm phát nhưng phải đi đôi với tăng trưởng kinh tế là bài toán khó không chỉ của một vài quốc gia.

Lạm phát của Nhật Bản chạm ngưỡng 2,8% - mức cao nhất kể từ năm 2014. Chỉ số giá tiêu dùng ở đất nước Mặt trời mọc ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tám năm qua.

Con số biết nói này cao hơn mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 5 liên tiếp.

Lạm phát tiêu dùng tại Nhật Bản tăng mạnh do giá năng lượng và thực phẩm leo thang, cũng như sự suy yếu của đồng yen. Vòng xoáy lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng là tình cảnh chung của nhiều quốc gia.

Tại quốc gia láng giềng của Nhật Bản, Hàn Quốc lại đang “đứng ngồi không yên” trước hiệu ứng của lạm phát đình trệ do tác động của các biện pháp kiềm chế lạm phát.

Thành công của Seoul là bước đầu kìm hãm giá cả leo thang, song lại khiến nền kinh tế quốc gia Đông Á có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Bên cạnh đó, giá trị đồng won lao dốc xuống sát mức kỷ lục không mong muốn trong các cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và 2009 cũng khiến người tiêu dùng Xứ sở Kim chi lao đao.

Trong khi đó, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước cơn bão lạm phát. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, hiện ở mức cao nhất 40 năm qua, cho dù hành động này có thể khiến nền kinh tế số 1 thế giới suy thoái trong ngắn hạn.

Chính phủ Mỹ cũng xóa khoản nợ sinh viên 10.000 USD cho hàng triệu người, đồng thời thực thi Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD nhằm giảm giá năng lượng, thuốc chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Xứ Cờ hoa.

Canada thì công bố gói biện pháp trị giá 4,5 tỷ CAD (3,39 tỷ USD) hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cùng với khoản hỗ trợ một lần giúp người có thu nhập thấp trang trải chi phí thuê nhà.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch huy động hơn 140 tỷ euro từ các công ty năng lượng nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp khi lạm phát gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và vỡ nợ.

Đức công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro, gồm các biện pháp gia hạn giảm giá phương tiện giao thông công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ nâng lương tối thiểu 30%, sau mức tăng 50% cuối năm 2021.

Anh chi hơn 100 tỷ bảng Anh (114,02 tỷ USD) để bù đắp một phần hóa đơn năng lượng cho người dân trong hai năm và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bồ Đào Nha giảm thuế VAT đối với hóa đơn điện và cung cấp các khoản hỗ trợ một lần cho người lao động, các gia đình và người hưu trí. Tây Ban Nha cũng giảm thuế VAT đối với hóa đơn khí đốt từ 21% xuống 5%, bắt đầu từ tháng 10 tới.

Đan Mạch giới hạn mức tăng 4% đối với tiền thuê nhà hằng năm trong hai năm tiếp theo. Pháp vừa thông qua dự luật trị giá 20 tỷ euro nhằm tăng lương hưu và các khoản chi phúc lợi.

Nhật Bản quyết định chi 3.484,7 tỷ yen (hơn 24 tỷ USD) từ ngân sách dự phòng năm 2022 để thực hiện các chính sách bổ sung nhằm ứng phó tình trạng bão giá.

Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 853,9 tỷ yen hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp để khắc phục một phần khó khăn do giá lương thực, giá điện và khí đốt tăng cao. Thái Lan tiếp tục cắt giảm thuế đối với dầu diesel thêm hai tháng và gia hạn trợ giá điện cho đến tháng 12 tới.

Indonesia duy trì mức lạm phát lương thực dưới 5%, đồng thời phân bổ 24.170 tỷ rupiah (1,62 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trợ cấp nhiên liệu cho chi tiêu phúc lợi. Malaysia dự kiến chi kỷ lục 77,3 tỷ ringgit (17,05 tỷ USD) để trợ cấp và hỗ trợ tiền mặt cho người dân.

Ít nhất 10 bang của Ấn Độ đã công bố các khoản trợ cấp tiền mặt và trợ giá điện trị giá hơn 1.000 tỷ rupee (12,6 tỷ USD). Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng gấp đôi mức hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, trong khi Saudi Arabia phân bổ 20 tỷ riyal (5,32 tỷ USD) hỗ trợ người dân ứng phó lạm phát.

Các biện pháp khẩn cấp của nhiều quốc gia, dù không giống nhau, đều nhằm mục tiêu giúp người dân và doanh nghiệp “qua cơn bĩ cực” lạm phát, hướng tới một tương lai tươi sáng và ổn định.

Theo Bình Minh/Báo điện tử Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh