Hội nghị điều phối viên trong Hiệp định hợp tác vùng châu Á - Thái Bình Dương về nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân diễn ra chiều 19/4 theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị điều phối viên trong Hiệp định hợp tác vùng châu Á - Thái Bình Dương về nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân diễn ra chiều 19/4 theo hình thức trực tuyến.
Buổi khai mạc hội nghị chiều 19/4 - Ảnh: Chụp màn hình |
Cụ thể, Hiệp định hợp tác vùng đối với nghiên cứu, phát triển và đào tạo về khoa học và công nghệ hạt nhân cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RCA) được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khởi xướng từ năm 1972 thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật.
Hiện nay, RCA có 22 nước thành viên bao gồm Úc, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, New Zealand, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka, Fiji, Nepal, Palau, Thái Lan và Việt Nam.
Theo nghĩa vụ luân phiên, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch RCA năm 2022. Năm nay cũng kỷ niệm 50 năm Hiệp định RCA. Năm chủ tịch của Việt Nam bắt đầu bằng hội nghị điều phối viên chiều 19-4, diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
TS Trần Chí Thành - viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - cho biết trong những hội nghị năm 2022, các đại diện RCA quốc gia sẽ tập trung vào các tác động xã hội và kinh tế của chương trình RCA đối với việc gây giống đột biến và y học phóng xạ trong hai mươi năm qua.
Một số nhiệm vụ khác được thảo luận là thực hiện chiến lược trung hạn của RCA 2018-2023, chương trình học bổng RCA sẽ được triển khai vào tháng 9-2022, lễ kỷ niệm 50 năm RCA, chương trình RCA cấp bộ trưởng…
Ông Phạm Công Tạc - thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ - cho biết hiện nay nhiều thách thức phát triển mới nổi đang được giải quyết nhờ vào khoa học và công nghệ hạt nhân.
RCA là nền tảng chung cho các quốc gia trong khu vực, đưa tiến bộ nghiên cứu hạt nhân của họ nhằm giải quyết các thách thức của khu vực và cải thiện phúc lợi kinh tế - xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Trong 50 năm qua, dưới sự bảo trợ của IAEA và RCA, gần 180 dự án trong hầu hết các lĩnh vực ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân đã được thực hiện và đạt được những kết quả có hiệu quả trong khu vực.
Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thành viên RCA từ năm 1981.
"Ngay từ ngày đầu tiên là thành viên của hiệp định này, Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ việc ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, công nghiệp và môi trường trên phạm vi toàn quốc", ông Tạc nói.
Theo TRỌNG NHÂN/Tuổi Trẻ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin