"Họa vô đơn chí" đối với nền kinh tế Mỹ

08:03, 13/03/2022

Những di chứng từ đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan tới Ukraine đang khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ "họa vô đơn chí" khi hai thách thức lớn là suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã cùng đến một lúc.

 

Người dân Mỹ mua sắm tại siêu thị ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. (Ảnh: REUTERS)
Người dân Mỹ mua sắm tại siêu thị ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. (Ảnh: REUTERS)

Những di chứng từ đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan tới Ukraine đang khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ “họa vô đơn chí” khi hai thách thức lớn là suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã cùng đến một lúc.

Trong bối cảnh “bão Covid-19” để lại nhiều di chứng, trong khi cuộc chiến Ukraine không ngừng leo thang buộc Mỹ phải “xuống tay” trừng phạt chưa từng có với Nga, giới phân tích quan ngại rằng, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể phải trải qua một giai đoạn stagflation-chỉ việc đồng thời xảy ra lạm phát cao và suy thoái kinh tế.

Báo chí Mỹ vừa dẫn lời bà Veronika Dolar, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Stony Brook, nhận định rằng, lạm phát kèm suy thoái là một “cơn ác mộng” kinh tế với nước Mỹ.

Theo Bộ Lao động Mỹ, tháng 2/2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tăng 7,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.

Mức tăng này không nằm ngoài dự báo nhưng đây là dấu hiệu cho thấy giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt là giá xăng, thực phẩm và nhà ở. Trước đó, CPI tháng 1/2022 ở Mỹ tăng 7,5%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 6%.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lạc quan về khả năng có thể đẩy lùi tình trạng lạm phát khi số liệu báo cáo việc làm tháng 2 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhưng giới phân tích ngày càng quan ngại “bong bóng lạm phát” có thể hủy hoại các thành tựu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Mỹ, nhất là trong bối cảnh những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến giá dầu tăng đột biến trong tháng 3.

Dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, vì thế cuộc chiến Nga-Ukraine bùng phát và làm giảm nguồn cung, khiến giá dầu tăng đang gây nhiều hệ lụy.

Các doanh nghiệp chuyên sản xuất xăng, lốp xe và nhiều sản phẩm khác ở Mỹ cũng như toàn cầu sẽ phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao, khiến lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

Kết quả, một số lượng lớn các nhà sản xuất giảm sản lượng của họ, làm giảm tổng cung dẫn đến sản lượng quốc gia đi xuống, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cùng với giá cả đều lên cao. Việc giá “vàng đen” tăng phi mã còn có thể dẫn tới suy thoái kinh tế Mỹ.

Do vậy, lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế đang trở thành một vấn đề thật sự gây đau đầu đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và đặt giới hoạch định chính sách của nước này vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Kinh tế Mỹ đã phục hồi khả quan trong năm 2021 vừa qua. Tuy nhiên, nếu lạm phát không được “ghìm cương”, nền kinh tế sẽ chìm trong đình trệ và suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và hoạt động kinh doanh giảm, đồng nghĩa là người dân đều có ít tiền hơn.

Điều này sẽ mở ra kỷ nguyên tiết kiệm khi mọi người đều “thắt lưng buộc bụng” khiến động lực tăng trưởng kinh tế giảm sút. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ ở vào thế khó là kích cầu tiêu dùng sẽ làm gia tăng lạm phát, nhưng nếu chống lạm phát thì không thể thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Nói cách khác là nếu họ muốn giải quyết một trong hai vấn đề thì thường cuối cùng lại khiến vấn đề còn lại trở nên tồi tệ hơn.

Thậm chí, việc giải quyết vấn đề chỉ có thể phụ thuộc vào các yếu tố “ngoài tầm tay” của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, chẳng hạn như chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Trong quá khứ, kinh tế Mỹ từng trải qua những thời kỳ tồi tệ do biến động của giá dầu và nền kinh tế số một thế giới cũng từng lâm cảnh “lạm phát cao, tăng trưởng thấp”.

Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ từng vượt quá ngưỡng 10% vào những năm 1940, tỷ lệ thất nghiệp từng tăng lên 9% vào năm 1975 và GDP “lao dốc”.

Tuy nhiên, nếu kịch bản xấu nêu trên tái diễn, khó khăn với nước Mỹ lần này sẽ nghiêm trọng hơn bởi “sức khỏe” nền kinh tế này đã ít nhiều suy yếu sau hơn hai năm phải chống chọi với đại dịch. Một khi cuộc chiến tại Ukraine còn leo thang, kinh tế Mỹ đi xuống, đây cũng sẽ là “tin buồn” với kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các khó khăn đang “thập diện mai phục”.

Theo ĐÔNG DƯƠNG/Báo điện tử Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh