Châu Âu đã cố gắng loại bỏ Covid-19, nhưng việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch cùng với sự lây lan của biến thể Omicron tàng hình đã khiến đại dịch bùng phát trở lại khu vực này với số ca mắc bệnh tăng cao kỷ lục.
Châu Âu đã cố gắng loại bỏ Covid-19, nhưng việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch cùng với sự lây lan của biến thể Omicron tàng hình đã khiến đại dịch bùng phát trở lại khu vực này với số ca mắc bệnh tăng cao kỷ lục.
Omicron tàng hình phủ bóng châu Âu
BA.2 hay còn gọi là “Omicron tàng hình” – một biến thể phụ của Omicron đang lây lan nhanh chóng tại châu Âu khiến số ca mắc bệnh tại khu vực này tăng cao. Hôm 15/3, Đức ghi nhận kỷ lục mới về tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong 4 ngày liên tiếp.
Áo cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt, trong khi số ca nhiễm virus ở Hà Lan đã tăng gấp đôi kể từ khi nước này dỡ bỏ các hạn chế vào ngày 25/2.
Người dân tụ tập trong một lễ hội hóa trang ở Eindhoven, Hà Lan vào cuối tháng 2, sau khi các hạn chế phòng Covid-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP |
Theo dữ liệu của Our World in Data, trong tuần trước, số ca nhiễm bệnh và nhập viện do Covid-19 ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh, Ireland, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italy tăng nhanh trở lại.
“Làn sóng lây nhiễm mới ở châu Âu đã bắt đầu", Eric Topol, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện nghiên cứu Scripps, nói.
Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng cao trở lại khoảng một tháng sau khi nhiều nước ở khu vực này bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Phần lớn các nhà chức trách đã bỏ qua sự gia tăng số ca mắc Covid-19 lần này và họ dường như không có ý định áp đặt lại các biện pháp hạn chế sau khi đã nới lỏng vài tuần trước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề, khiến các hoạt động của doanh nghiệp và trường học bị gián đoạn.
“Các chính trị gia đang gửi thông điệp khuyến khích nhiều người có thái độ thận trọng tham gia cùng những người khác. Có vẻ họ rất can đảm và thực sự mạo hiểm khi cho rằng đại dịch đã kết thúc”, Martin McKee, giáo sư y tế công cộng tại Trường Y học Nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, nói.
Bloomberg nhận định rằng châu Âu có khả năng không chịu được thêm áp lực khi khu vực này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt. Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ khiến giá lương thực và nhiên liệu của châu Âu tăng vọt.
“Gần đây, tất cả chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine và việc giá cả tăng cao. Nhưng Covid-19 vẫn còn ở đây”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 14/3, cho biết trong một bài đăng trên Instagram.
Bất chấp tình trạng số ca mắc bệnh tăng vọt, Đức vẫn theo đuổi kế hoạch để chấm dứt hầu hết các hạn chế trên toàn quốc vào ngày 20/3. Số ca mắc Covid-19 phải điều trị trong đơn vị chăm sóc đặc biệt của Đức đã giảm hơn một nửa so với mức cao nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach không khuyến khích việc mở cửa rộng rãi và kêu gọi 16 tiểu bang của Đức thực hiện các quy tắc “điểm nóng” cho phép áp dụng các hạn chế nhất định tại địa phương.
“Chúng ta không nên dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế vào thời điểm hiện tại. Chúng ta đang đối mặt với một tình huống rất đáng sợ ở Đức vào lúc này”, ông Lauterbach nói trong một cuộc phỏng vấn.
Kiên định dỡ bỏ mọi hạn chế
Tuần trước, Áo đã đình chỉ một đạo luật bắt buộc tiêm vaccine Covid-19, dỡ bỏ một trong những hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt nhất của châu Âu bất chấp số ca nhiễm bệnh tăng cao kỷ lục.
Tại Pháp, từ ngày 14/3, hàng triệu học sinh trung học và giáo viên đã dừng việc đeo khẩu trang tại trường học sau gần 2 năm. Anh sẽ dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng vào ngày 17/3 và kết thúc xét nghiệm diện rộng miễn phí từ ngày 1/4.
Tại Anh, sân bay Heathrow và các hãng hàng không British Airways và Virgin Atlantic đã giảm bớt những hạn chế về đeo khẩu trang.
Bất chấp việc các quốc gia châu Âu miễn cưỡng siết chặt lại các hạn chế, sự phức tạp của đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên rõ ràng.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia, số ca mắc Covid-19 tại các bệnh viện ở Anh đã tăng hơn 10.000 người, tăng 18% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, nhiều người trong số này là những trường hợp được xét nghiệm ngẫu nhiên, nghĩa là họ chủ yếu nhập viện vì lý do khác.
Tại Italy, khoảng 120.000 trẻ em đi học, chiếm khoảng 2,5% tổng số trẻ em của nước này, đã phải cách ly do Covid-19 trong tuần kết thúc vào ngày 5/3.
Thị trưởng của trấn phía Nam Cerchiara di Calabria (Italy) đã yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học trong tuần này do số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng.
Theo Bloomberg, đợt bùng phát Covid-19 mới đang thúc đẩy sự quay trở lại của các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tại Octave et Arpege, trường âm nhạc và sân khấu ở Paris, giám đốc đã yêu cầu các gia đình cho trẻ em đeo khẩu trang và tuân theo các quy tắc phòng dịch khác. Tại buổi biểu diễn Cirque Zingaro hôm 13/3, khoảng một nửa số khán giả đã lựa chọn đeo khẩu trang dù đây không phải quy định bắt buộc.
Tại Đức, số ca mắc bệnh tăng cao kỷ lục nghĩa là có “mối nguy hiểm của Covid-19 kéo dài tác động tới nhiều người hơn bao giờ hết”, ông Lauterbach cho biết trên Twitter ngày 14/3.
“200 người tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Chẳng bao lâu con số này có thể sẽ nhiều hơn nữa”, ông Lauterbach nói thêm./.
Theo Mai Trang/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin