Ngày 22/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận với các phóng viên chưa tính đến việc lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lúc này.
Ngày 22/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận với các phóng viên chưa tính đến việc lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lúc này.
Không cùng chí hướng, Mỹ - Nga không họp thượng đỉnh - Ảnh: GETTY IMAGES |
Theo Hãng tin Reuters, bà Psaki không bác bỏ hoàn toàn khả năng hai bên vẫn sẽ gặp nhau trong tương lai, nhưng cho biết Tổng thống Biden sẽ không gặp Tổng thống Putin trừ khi Nga giảm leo thang tình hình ở Ukraine bằng cách rút quân.
Bà nói với các phóng viên có mặt tại cuộc họp báo: "Chúng tôi sẽ không bao giờ hoàn toàn đóng cánh cửa ngoại giao nhưng ngoại giao không thể thành công trừ khi Nga thay đổi hướng đi".
Việc ngừng các cuộc họp cấp cao của Mỹ với Nga không bất ngờ vì trước khi Nhà Trắng họp báo ít phút, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ông đã hủy cuộc gặp được lên kế hoạch vào ngày 24-2 với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ông Blinken cho biết ông chỉ đồng ý gặp Ngoại trưởng Lavrov khi Nga không có hành động quân sự với Ukraine.
Nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Washington, ông Blinken cho biết: "Hiện nay, chúng ta thấy Nga đang bắt đầu các hành động quân sự và Nga rõ ràng là đã từ chối con đường ngoại giao".
Ngoại trưởng Blinken cho biết ông vẫn cam kết với giải pháp ngoại giao "nếu cách tiếp cận của Nga thay đổi", và sẽ làm bất cứ điều gì có thể "để ngăn chặn một tình huống tồi tệ hơn".
Ông nói thêm: "Nhưng chúng tôi sẽ không cho phép Nga tuyên bố giả vờ ngoại giao đồng thời hành động khác".
Ngày chủ nhật 20-2 vừa qua, Nhà Trắng cho biết ông Biden đồng ý gặp ông Putin "về nguyên tắc", sau cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Blinken - Lavrov, với điều kiện Nga không có hành động quân sự với Ukraine. Những thông tin này diễn ra trước khi Tổng thống Nga Putin cử lực lượng vào miền đông Ukraine.
Chính quyền Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt với Nga sau khi nước này có một loạt quyết định mang tính leo thang căng thẳng như công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai tại Donbass là Lugansk và Donetsk.
Liên quan đến xung đột leo thang, Hãng tin AFP ghi nhận thị trường chứng khoán Phố Wall giảm nhiệt trong ngày 22-2 sau khi Tổng thống Joe Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với một số cá nhân và tổ chức của Nga.
Trong khi đó, sau khi giảm mạnh lúc mở cửa, chứng khoán châu Âu quay đầu tăng trở lại. Thị trường London (Anh) đóng cửa với mức tăng nhẹ, Paris (Pháp) đi ngang và Frankfurt (Đức) giảm 0,3%.
Giá dầu thô Brent biển Bắc lên 99,50 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm qua, trước khi giảm về mức 97 USD/thùng. Theo AFP, mức tăng không cao do các nhà đầu tư dự đoán các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô của Nga.
Trong bài phát biểu bằng văn bản gửi tới Diễn đàn Các nước xuất khẩu khí đốt lần thứ 6 diễn ra tại Doha, Qatar ngày 22/2, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục duy trì nguồn cung, không đứt gãy khí đốt, khí hóa lỏng cho thị trường thế giới.
Cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu do Nga là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất khí tự nhiên hàng đầu thế giới.
Theo HỒNG VÂN/Tuổi Trẻ online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin