Thế giới cần học cách chung sống với đại dịch Covid-19

02:01, 05/01/2022

Để chung sống với dịch Covid-19, các nhà khoa học cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là thực hiện tiêm chủng trên toàn thế giới, các chính phủ cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các loại thuốc kháng virus.

 

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để chung sống với dịch Covid-19, các nhà khoa học cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là thực hiện tiêm chủng trên toàn thế giới, các chính phủ cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các loại thuốc kháng virus.

Biến thể Omicron cho đến nay được xem là biến thể dễ lây lan nhất của virus SARS-CoV-2, với số ca mắc đang gia tăng nhanh chóng trên khắp thế giới.

Mặc dù dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm 2022, các nhà khoa học tin rằng, những hậu quả về mặt y tế, kinh tế và xã hội mà đại dịch gây ra trên toàn cầu có thể giảm thiểu trong năm nay, nếu chính phủ các nước thực thi các chính sách phù hợp và biến thể Omicron phát triển theo đúng xu hướng mà các nhà khoa học đã dự báo.

Mô hình dự báo của Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe, thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho thấy khả năng lây nhiễm nhanh của Omicron có thể gây nên tới 2 tỷ ca mắc Covid-19 trong vòng hai tháng tới, với đỉnh dịch vào giữa tháng 1/2022, cùng khoảng hơn 35 triệu ca/ngày.

Ông Chris Murray, Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe cho rằng, kịch bản dự báo đó có thể là bi quan. Nhưng dù có sự gia tăng lớn về số ca mắc, số ca nhập viện sẽ thấp hơn so làn sóng biến thể Delta và so thời điểm đỉnh dịch vào mùa đông năm ngoái trên toàn cầu.

Tình hình sau đó cũng sẽ dần được cải thiện do khả năng miễn dịch của người dân trên toàn cầu ngày một cao nhờ tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên, khiến hậu quả mà virus gây ra ít nghiêm trọng hơn.

Giáo sư Tim Colbourn tại Đại học College London (Anh) nhận định, gánh nặng dịch Covid-19 có thể giảm tới 95% trong năm nay, và đại dịch sẽ không còn là một trong 10 vấn đề y tế hàng đầu của thế giới.

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, các đột biến ở Omicron khiến biến thể này dễ lây nhiễm hơn các biến thể trước thông qua đường mũi và đường hô hấp trên, nhưng ít có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, nơi virus có xu hướng gây tổn thương nhiều nhất.

Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy, nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm Omicron giảm ít nhất 50% so với các biến thể khác.

Giáo sư Jennifer Rohn tại Đại học College London dự đoán khó có khả năng xuất hiện một biến thể vừa dễ lây lan hơn, vừa nguy hiểm hơn, nhận định sự phát triển của virus SARS-CoV-2 có thể đã gần đạt đến giới hạn.

Trong khi đó, Giáo sư Y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE) thì nhận định các làn sóng dịch Covid-19 sẽ diễn ra với mức độ ít nghiêm trọng hơn trong 4-5 năm tới.

Ông Farrar cảnh báo có nguy cơ nhỏ về bước tiến hóa đột ngột của virus sang một biến thể không đến từ các biến thể hiện có.

Một khả năng khác là virus SARS-CoV-2 tiến hóa trong quần thể động vật và sau đó lây trở lại sang người, hoặc virus này có thể hoán đổi gene với một virus khác thông qua "tái tổ hợp gene".

Ví dụ, nếu một người cùng lúc nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhiễm virus corona gây bệnh MERS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông) - vốn không lây lan nhanh nhưng lại khiến khoảng 40% người mắc tử vong, điều này có thể dẫn tới nguy cơ khả năng lây truyền nhanh của virus SARS-CoV-2 sẽ kết hợp với khả năng gây chết người của virus corona gây hội chứng MERS.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, đây là điều cực kỳ khó xảy ra. Giáo sư Colbourn cho hay, điều đáng lo ngại hơn là nguy cơ xảy ra một đại dịch khác do một loại virus mới gây nên.

Để chung sống với dịch Covid-19, các nhà khoa học cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là thực hiện tiêm chủng trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh hiện mới chỉ 10% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trong khi một số nước giàu đã triển khai mũi tăng cường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định năng lực sản xuất vaccine toàn cầu, hiện ở mức gần 1,5 tỷ liều/tháng, sẽ cung cấp đủ vaccine cho các chương trình tiêm mũi tăng cường, cũng như cho cho các nước nghèo so năm 2021, thông qua các cơ chế COVAX.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các chính phủ và cơ quan quản lý cũng cần khuyến khích phát triển các công nghệ vaccine mới đồng thời đầu tư nhiều hơn vào các loại thuốc kháng virus giúp giảm thiểu các triệu chứng ở những người mắc bệnh.

Một lĩnh vực quan trọng khác cần được chú trọng là công tác chẩn đoán và giám sát, trong đó cần bảo đảm đủ nguồn cung các bộ xét nghiệm nhanh cũng như tăng cường năng lực giải trình tự gene trên toàn thế giới để theo dõi sự xuất hiện của các biến thể mới.

Theo Báo điện tử Nhân dân/ TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh