Cái giá của chiến lược "Không Covid" ở Trung Quốc

07:01, 06/01/2022

Khi Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chiến lược "Không Covid" giữa lúc hầu hết các nước đang học cách sống chung với dịch bệnh, nhiều người đặt câu hỏi liệu chính sách này sẽ kéo dài trong bao lâu nữa.

Khi Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chiến lược "Không Covid" giữa lúc hầu hết các nước đang học cách sống chung với dịch bệnh, nhiều người đặt câu hỏi liệu chính sách này sẽ kéo dài trong bao lâu nữa.

Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Tây An, nơi 13 triệu dân đang bị phong tỏa nghiêm ngặt (Ảnh: Getty).
Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Tây An, nơi 13 triệu dân đang bị phong tỏa nghiêm ngặt (Ảnh: Getty).

Trong khi phần lớn thế giới đang dần dần thích nghi với việc sống chung với Covid-19, giới chức Trung Quốc đang gia tăng chiến lược "Không Covid", điển hình là nỗ lực cắt đứt chuỗi lây nhiễm bất cứ khi nào phát hiện ca mới và bằng bất kỳ giá nào.

Vào cuối tháng trước dù chỉ ghi nhận một ca duy nhất ở một thị trấn biên giới, 200.000 dân đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Và một biện pháp quyết liệt của chính sách "Không Covid" là đóng cửa biên giới.

Với biện pháp này, rất ít người được đến hoặc rời khỏi Trung Quốc. Những người nhập cảnh vào nước này phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt trong vòng 3 tuần.

Một số quốc gia khác trên thế giới cũng từng áp dụng "Không Covid" trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc dường như đang đi trên con đường riêng.

Với tỉ lệ tiêm chủng ngày càng cao, áp lực kinh tế, xã hội và sự xuất hiện của biến chủng mới lây nhiễm nhanh hơn, nhiều nước như Australia, New Zealand và Singapore đã từ từ tái mở cửa với thế giới.

Ngay tại Trung Quốc, một số nhà khoa học và quan chức cấp cao trong nước đã kêu gọi Trung Quốc mở cửa trở lại theo xu hướng của thế giới vì Covid-19 hiện đang dần trở thành bệnh đặc hữu.

Gần đây, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nhận định rằng nước này có thể sẵn sàng mở cửa khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt 85%, có thể vào đầu năm 2022.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, việc đóng cửa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể không đủ để ngăn chặn các biến chủng mới có khả năng lây lan cao.

"Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn với Omicron và chính sách 'Không Covid'", Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch tễ của Nam Phi Tulio Oliveira viết trên Twitter.

Ông cũng chính là thành viên của nhóm đầu tiên thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về biến chủng Omicron. "Họ có thể cần tham gia cùng các quốc gia khác bằng các chiến lược giảm thiểu lây nhiễm trước biến chủng dễ lây lan hơn", ông nói thêm.

Các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dường như sẽ vẫn nỗ lực kiểm soát virus, trong bối cảnh họ chuẩn bị tổ chức hai sự kiện quan trọng: đăng cai tổ chức Olympic mùa Đông 2022 và sau đó là Đại hội Đảng lần thứ 20.

Các nhà chức trách ở Bắc Kinh không muốn đặt Thế vận hội hoặc Đại hội Đảng vào tình trạng nguy hiểm khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, điều này sẽ dẫn đến một phép thử không kiểm soát về hiệu quả của việc tiêm chủng trong nước và các chế phẩm y tế.

"Chính sách không Covid của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi những lo ngại về ổn định xã hội", Lynette Ong, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto (Canada), nhận định.

Theo chuyên gia này, "Bắc Kinh coi Covid-19, SARS và các bệnh dịch hoặc đại dịch khác là cuộc khủng hoảng sức khỏe có khả năng tiến triển thành cuộc khủng hoảng xã hội.

Vì vậy, Trung Quốc luôn sẵn sàng bảo vệ chiến lược chống dịch của mình bằng mọi giá. Tuy nhiên, chi phí là quá lớn. Khi các quốc gia còn lại trên thế giới học cách sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc sẽ thấy mình đơn độc với ít cơ chế đối phó hơn".

Nhưng cũng cần nói rằng, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã có hiệu quả đáng kinh ngạc cho đến nay. Trong 4 tuần qua, khi Trung Quốc chống chọi với làn sóng dịch bệnh tương đối lớn trong cộng đồng, nhà chức trách đã ghi nhận 3.400 ca mắc và không có ca tử vong.

Trong cùng thời kỳ đó, Mỹ đã ghi nhận trên 5,7 triệu người mắc với khoảng 36.000 người đã tử vong. Và khi các nền kinh tế khác đứng trên bờ vực sụp đổ dưới áp lực của đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển.

Chi phí và thách thức sẽ gia tăng

Trung Quốc có thể là nước cuối cùng duy trì chiến lược "Không Covid" ngay cả khi các quốc gia khác phải hứng chịu một "cơn bão" do biến chủng Omicron gây ra.

Theo các nhà phân tích, với việc Covid-19 đang dần trở thành bệnh dịch đặc hữu và vaccine vẫn chưa cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện, một chiến lược dài hạn là nhu cầu cấp thiết vào thời điểm này.

Vì vậy, dù phương pháp tiếp cận "Không Covid" của Trung Quốc sẽ có thể giúp nước này cản đường lây lan mạnh của Omicron, nhưng nước này vẫn sẽ cần một chiến lược dài hạn vì Covid-19 có vẻ sẽ trở thành bệnh đặc hữu, các nhà phân tích cảnh báo.

Trung Quốc đang phong tỏa nghiêm ngặt thành phố Tây An với 13 triệu dân khi ghi nhận gần 1.700 ca nhiễm trong 2 tuần bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi bùng dịch

Các ca mắc mới ở Tây An lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 vào hôm 2/1 kể từ ngày 24/12/2021, nhưng cái giá phải trả là rất lớn. Thành phố 13 triệu dân bị đóng cửa trong gần 2 tuần, gây ra làn sóng phản đối gay gắt vì thiếu lương thực và các tình trạng thiếu hụt khác.

Vì vậy, theo các nhà phân tích, nếu Trung Quốc vẫn lựa chọn con đường khác biệt này, chi phí và thách thức dường như chắc chắn sẽ gia tăng.

Trong năm 2020 và 2021, Trung Quốc đã dập tắt được đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, chi tiêu trong nước tăng lên. Sau đó, các nhà máy của họ vẫn có thể cung cấp hàng hóa cho thế giới vì đại dịch dường như đã đi qua. Tuy nhiên, giờ đây, phép tính kinh tế đã trở nên phức tạp hơn.

Các quy tắc kiểm dịch và khóa cửa nghiêm ngặt mới đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến sản lượng của nhà máy.

Nhiều đối tác thương mại nổi giận trước tác động của việc Trung Quốc đột ngột áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mới. Nếu các thị trường khác bắt đầu nới lỏng khi Trung Quốc vẫn đóng cửa, họ có thể buộc phải tìm kiếm các đối tác thương mại khác.

Ngoài ra, nếu Bắc Kinh vẫn phong tỏa, điều này cũng có thể làm giảm nỗ lực của Trung Quốc trong việc thể hiện ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới.

Nhưng hiện tại, các nhà chức trách Trung Quốc rõ ràng vẫn cho thấy ưu tiên chính sách "Không Covid", và sẵn sàng trả giá rất đắt để duy trì tình trạng đó trong một thế giới nơi dịch bệnh đang dần trở thành bệnh đặc hữu.

Theo Thanh Thành/Báo điện tử Dân trí

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh