WHO báo động về biến thể Omicron

03:12, 21/12/2021

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 tuyên bố biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta và đang gây bệnh cho những người đã tiêm vắc-xin hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19.

 

 

 Người dân xếp hàng tại một địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: Reuters
Người dân xếp hàng tại một địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: Reuters

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 tuyên bố biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta và đang gây bệnh cho những người đã tiêm vắc-xin hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19.

Tại họp báo ở Geneva, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Có bằng chứng nhất quán cho thấy biến thể Omicron lây nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm phòng vắc-xin hoặc hồi phục sau khi mắc Covid-19 nhiều khả năng nhiễm hoặc tái nhiễm".

Bình luận về biến thể Omicron của WHO trùng với kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Imperial College London vào tuần trước. Nghiên cứu này chỉ ra rằng Omicron gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp 5 lần và không có dấu hiệu bệnh nhẹ hơn Delta.

Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết các hình thức tiêm chủng tạo miễn dịch có thể ngăn ngừa lây nhiễm và bệnh nặng.

Bà Soumya Swaminathan - trưởng nhóm khoa học của WHO - nói rằng sẽ "thiếu khôn ngoan" nếu vội vàng đưa ra kết luận từ những bằng chứng ban đầu rằng Omicron là một biến thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta.

Bà Swaminathan cho rằng với số ca nhiễm đang gia tăng, tất cả các hệ thống y tế sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng.

Bà Swaminathan nói với Reuters rằng biến thể này có khả năng né tránh một số phản ứng miễn dịch. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia triển khai tiêm mũi tăng cường nên hướng tới những người có hệ miễn dịch yếu hơn.

Trong khi khả năng bảo vệ của kháng thể khỏi một số tác nhân gây bệnh đã bị suy giảm, vẫn có hy vọng rằng tế bào T - trụ cột thứ hai của phản ứng miễn dịch - có thể ngăn bệnh trở nặng bằng cách chống các tế bào nhiễm bệnh của con người.

Chuyên gia Abdi Mahamud của WHO cho biết: "Mặc dù chúng tôi thấy lượng kháng thể trung hòa giảm nhưng hầu như tất cả các phân tích sơ bộ đều cho thấy khả năng miễn dịch trung gian qua tế bào T vẫn còn nguyên. Đó là những gì chúng tôi thực sự cần".

Nhóm nhà khoa học của WHO bày tỏ hy vọng rằng đại dịch sẽ kết thúc vào năm 2022. Bởi lúc này, thế giới sẽ phát triển được vắc-xin thế hệ thứ hai và thứ ba, phát triển được các phương pháp điều trị kháng sinh và có những đổi mới khác trong việc chống Covid-19.

Chuyên gia hàng đầu của chương trình y tế khẩn cấp WHO Mike Ryan cho rằng "nếu chúng ta có thể giữ cho sự lây nhiễm ở mức tối thiểu thì có thể chấm dứt đại dịch".

Trong khi đó, ông Tedros nói rằng thời gian ngắn tới đây, các hoạt động lễ hội ở nhiều nơi sẽ dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm khiến hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn. Đồng thời, ông kêu gọi mọi người hoãn hội họp, tụ tập đông người.

Theo Huệ Bình/Báo Người Lao Động

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh