Các cuộc tấn công của quân đội Myanmar vào các ngôi làng gần biên giới với Thái Lan đã tạo nên làn sóng người tị nạn tràn vào lãnh thổ Thái Lan khiến căng thẳng biên giới giữa hai nước láng giềng gia tăng.
Các cuộc tấn công của quân đội Myanmar vào các ngôi làng gần biên giới với Thái Lan đã tạo nên làn sóng người tị nạn tràn vào lãnh thổ Thái Lan khiến căng thẳng biên giới giữa hai nước láng giềng gia tăng.
Các thành viên của Liên minh Quốc gia Karen. Ảnh: Reuters |
Theo các nguồn tin quân sự Thái Lan, quân đội nước này đã nổ súng sang lãnh thổ Myanmar hôm 17/12 như một hành động cảnh cáo để đáp trả những quả đạn lạc từ phía Myanmar vào lãnh thổ Thái Lan.
Nguồn tin cho hay, Thái Lan đã bắn hai quả đạn khói theo quy định quốc tế để cảnh báo Myanmar tránh và ngừng pháo kích vào lãnh thổ Thái Lan. Hành động của Thái Lan được khẳng định là không để chống lại chính quyền quân sự Myanmar.
Chính phủ Thái Lan cho biết, hơn 2.500 người tị nạn từ Myanmar đã chạy sang tỉnh Tak của Thái Lan từ bang Kayin ở miền Đông.
Thái Lan đã cung cấp thực phẩm, nơi ở tạm thời cho những người tị nạn này. Hồi đầu năm nay, lực lượng an ninh Thái Lan cũng đã đẩy 2.000 người vượt biên quay trở lại Myanmar sau các cuộc tấn công của quân đội. Tuy nhiên, lần này, các nhà chức trách Thái Lan đã nhấn mạnh họ làm theo các nguyên tắc nhân đạo.
Các cuộc di tản của người Myanmar ở những vùng biên giới Thái Lan diễn ra sau các cuộc đụng độ giữa quân đội Myanmar và các đơn vị có vũ trang của Liên minh Quốc gia Karen, lực lượng chống lại chế độ quân sự của Naypyitaw.
Các cuộc đụng độ mới nhất xảy ra trong vòng 30km tính từ biên giới với Thái Lan khi quân đội Myanmar tiến vào vùng do quân Karen kiểm soát và bắt giữ một số người chống lại quân đội.
Liên minh Quốc gia Karen là một trong những lực lượng phản đối mạnh mẽ nhất chính quyền quân sự tại Myanmar và cung cấp nơi ẩn náu, huấn luyện quân sự cho những người bất đồng chính kiến.
Hồi đầu năm, quân đội Myanmar đã di dời hàng chục ngàn người dân ở các khu vực do quân Karen nắm giữ để tiến hành các cuộc tấn công.
Theo số liệu của Liên Hợp quốc, kể từ khi diễn ra biến cố chính trị tại Myanmar, đã có ít nhất 500.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Các cuộc đụng độ hiện cũng đang lan rộng sang các khu vực khác của bang Kayin. Thái Lan đang là quốc gia phải chịu nhiều lo ngại trước làn sóng người tị nạn vượt biên.
Bộ chỉ huy quân sự biên giới Thái Lan-Myanmar đã đưa ra một tuyên bố rằng lực lượng vũ trang của Thái Lan sẽ sẵn sàng đáp trả nếu chủ quyền của nước này bị vi phạm hoặc các cuộc tấn công gây ảnh hưởng tới an toàn và tài sản của người dân Thái Lan./.
Theo Quang Trung/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin