Số ca mắc mới COVID-19 toàn cầu ở mức cao trong 7 ngày qua

12:12, 30/12/2021

Theo Hãng tin Reuters, tính từ ngày 22 đến 28/12, trung bình có gần 900.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày trên khắp thế giới.

 

    Theo Hãng tin Reuters, tính từ ngày 22 đến 28/12, trung bình có gần 900.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày trên khắp thế giới.

    Một quán cà phê ở London, nước Anh, ngày 29/12 - Ảnh: REUTERS
    Một quán cà phê ở London, nước Anh, ngày 29/12 - Ảnh: REUTERS

    Trong 24 giờ qua, nhiều nước công bố số ca mắc mới cao kỷ lục, bao gồm Mỹ, Úc và một số nước châu Âu.

    Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Cyprus và Malta đều ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục vào ngày 28/12.

    Ở Mỹ, tính trung bình 7 ngày qua, số ca mắc mới hằng ngày đã đạt mức cao kỷ lục 258.312 ca. Kỷ lục trước đó là 250.141 ca ghi nhận vào đầu tháng 1 năm nay.

    Ngày 29/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết 90% bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đều chưa tiêm liều vắc xin tăng cường, trong khi các bác sĩ cho rằng đây là biện pháp bảo vệ tốt nhất trước biến thể Omicron vào thời điểm hiện tại.

    "Biến thể Omicron đang là vấn đề nhức nhối. Bạn có thể thấy ca bệnh nhập viện gia tăng, nhưng rõ ràng là gây bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta", ông Johnson nói vào ngày 29-12.

    Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), hơn 90% ca nhiễm cộng đồng ở Anh là do biến thể Omicron. Vì Omicron đang là biến thể thống trị, UKHSA sẽ ngừng cập nhật bản tin hằng ngày về Omicron kể từ ngày 31/12.

    Trong khi đó ở Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho biết số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận thấp hơn số liệu thực khoảng 2-3 lần. Nguyên nhân là do Đức đang trải qua kỳ nghỉ lễ, dẫn đến ít làm xét nghiệm hơn.

    Ông Lauterbach kêu gọi người dân chỉ tụ tập ăn mừng năm mới theo các nhóm nhỏ.

    Số ca nhiễm mới ở Úc tăng lên gần 18.300 ca theo ghi nhận vào ngày 29/12, xô đổ kỷ lục 11.300 ca thiết lập chỉ một ngày trước đó.

    Thủ tướng Scott Morrison cho biết Úc cần thay đổi vì đang diễn ra tình trạng quá tải ở một số điểm xét nghiệm. Tình trạng tương tự diễn ra ở một số nước châu Âu như Tây Ban Nha khi nhu cầu về bộ xét nghiệm COVID-19 gia tăng.

    WHO lo ngại "sóng thần" dịch bệnh

    Trong cuộc họp báo ngày 29/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói việc biến thể Delta và Omicron đang đồng thời lây lan có thể tạo ra một "cơn sóng thần" dịch bệnh.

    "Delta và Omicron hiện là mối đe dọa song hành khiến ca bệnh tăng lên mức kỷ lục, dẫn tới số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến", ông Tedros nói.

    Người đứng đầu WHO lặp lại lời kêu gọi các quốc gia chia sẻ vắc xin theo cách bình đẳng hơn và cảnh báo việc các nước giàu tích trữ vắc xin để tiêm liều tăng cường có thể dẫn đến thiếu hụt vắc xin ở nước nghèo.

    Ông Tedros cho biết WHO đang vận động các nước đạt mục tiêu phủ vắc xin 70% vào giữa năm 2022.

    Đêm giao thừa 2022 sắp tới sẽ đánh dấu mốc 2 năm Trung Quốc cảnh báo WHO về 27 ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở thành phố Vũ Hán.

    Theo thống kê của Hãng tin Reuters, kể từ đó đã có 281 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu và hơn 5 triệu người đã chết.

    Theo MINH KHÔI/Tuổi Trẻ

     

     

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh