Thái Lan ghi nhận ca nhiễm cộng đồng đầu tiên với biến thể Omicron ngày 20/12. Dù kêu gọi người dân không nên lo lắng, bộ trưởng y tế Thái Lan cho biết sẽ đề xuất khôi phục quy định cách ly bắt buộc với du khách nước ngoài.
Thái Lan ghi nhận ca nhiễm cộng đồng đầu tiên với biến thể Omicron ngày 20/12. Dù kêu gọi người dân không nên lo lắng, bộ trưởng y tế Thái Lan cho biết sẽ đề xuất khôi phục quy định cách ly bắt buộc với du khách nước ngoài.
Trước thềm Giáng sinh, dịp mua sắm nhộn nhịp nhất năm nhưng trung tâm Rotterdam vắng lặng lạ thường hôm 19/12, ngày đầu Hà Lan phong tỏa cứng để ngăn sự lây lan của các ca nhiễm COVID-19 biến thể Omicron - Ảnh: AFP |
Các nước châu Á khác như Nhật Bản, Singapore đã có ca nhiễm cộng đồng do biến thể Omicron. Trong bối cảnh biến thể này đang hoành hành dữ dội ở châu Âu và Bắc Mỹ, các nước châu Á cần theo dõi sát biến thể này để có đối sách phù hợp.
Lây nhanh phi thường
Ngày 19/12, xuất hiện trên truyền hình NBC, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn về dịch bệnh COVID-19 của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cảnh báo biến thể Omicron có khả năng "lây lan phi thường".
Ông Fauci nhận định nhu cầu đi lại trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới chắc chắn sẽ góp phần làm tăng nguy cơ lây nhiễm, cả ở những người đã tiêm. Do đó, mùa đông năm nay sẽ ảm đạm.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh còn nóng hơn. Sau gần hai năm phải đối phó với COVID-19 và một năm kể từ khi có vắc xin phòng bệnh, chẳng ai có thể hình dung ngày thoát khỏi đại dịch và lễ Giáng sinh năm nay lại có thể bị COVID-19 phá hoại.
Ngày 19/12, nước Anh ghi nhận 12.133 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể này xuất hiện ở quốc gia này. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh hiện là 37.101 ca nhưng có thể số ca mắc trên thực tế cao hơn bởi nhiều người không làm xét nghiệm.
Trong khi đó, Ireland ghi nhận 5.124 ca mắc mới, hơn 50% trong số này là ca nhiễm biến thể Omicron. Việc biến thể Omicron chỉ mất chưa đầy hai tuần để trở thành biến thể thống trị tại Ireland cho thấy tốc độ lây nhiễm không gì cản nổi của biến thể này, điều đặc biệt đáng quan ngại với các chuyên gia y tế.
Biến thể này hoành hành trên toàn cầu, làm số ca nhiễm tăng ở toàn châu Âu - chuyện trở thành biến thể chủ đạo ở đây sẽ chỉ là sớm muộn.
Rút kinh nghiệm từ châu Âu?
Kinh nghiệm từ hai năm qua cho thấy dịch COVID-19 nổi lên ở nơi này rồi sau đó xuất hiện ở nơi khác.
Bây giờ dịch nổi lên ở châu Âu, có nghĩa là ở châu Á phải tranh thủ khoảng thời gian bình yên tạm thời này để tăng cường phòng bị, phân tích những biện pháp châu Âu đang làm để rút kinh nghiệm, tránh rơi vào bài học của sự tự mãn.
Về các biện pháp đang làm, các nước châu Âu và cả Bắc Mỹ đang ra sức kêu gọi và đẩy mạnh tiêm vắc xin gồm tiêm cho người chưa tiêm, tiêm liều bổ sung, tiêm cho trẻ em. Biện pháp này được Indonesia ủng hộ, đặc biệt là khi nước này đã có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia, trong đó có tiến sĩ Fauci, đều khẳng định chỉ vắc xin hoặc miễn dịch có được do mắc COVID-19 và khỏi bệnh trước đó là không đủ để ngăn chặn sự lây lan. Dĩ nhiên, nó có tác dụng bảo vệ họ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Với cá nhân, các biện pháp bảo vệ bổ sung cần thiết bao gồm sử dụng khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo thông gió cho không gian trong nhà, tránh các đám đông và vệ sinh tay.
Với cấp quản lý, có nhiều biện pháp tổng hợp được các quốc gia lựa chọn. Nhiều nơi tăng cường xét nghiệm tầm soát biến thể Omicron.
Các nước cũng quay trở lại với các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế sự kiện đông người, đóng cửa hoặc giảm hoạt động của các dịch vụ không thiết yếu. Người lao động được khuyến khích làm việc trực tuyến, trường học chuyển sang dạy trực tuyến - ít nhất trong thời gian số ca nhiễm có nguy cơ tăng cao.
Theo Hãng tin Reuters, các thành phố nhộn nhịp ở Hà Lan hiện như vào giấc ngủ đông do từ tối 18/12 đến 14/1 theo lệnh của chính phủ, nhà hàng, tiệm cắt tóc, bảo tàng, các nơi công cộng phải đóng cửa.
Các cuộc gặp gỡ tại nhà cũng chỉ cho phép tối đa 2 khách, riêng đêm trước Giáng sinh, ngày Giáng sinh và các ngày trong năm mới được 4 khách.
Không mạnh tay như Hà Lan, Đan Mạch, Ireland và một số nước khác chọn giải pháp mềm hơn. Các cửa tiệm và nhà hàng giới hạn số người phục vụ cùng lúc và đóng cửa theo quy định về giờ giới nghiêm. Ở Đan Mạch là 23h, ở Ireland là 20h.
Hủy các hoạt động mừng năm mới
Với quan điểm vui chi một phút chốc mà hậu quả lâu dài, các sự kiện chào năm mới ở nhiều nước cũng bị hủy. Ngày 18/12, Văn phòng thị trưởng Paris thông báo chương trình bắn pháo hoa và hòa nhạc tại đại lộ nổi tiếng des Champs-Elysées đêm giao thừa sẽ không diễn ra.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng yêu cầu các thị trưởng khác xem xét hủy bỏ kế hoạch tổ chức lễ đón năm mới trong đêm giao thừa.
Tại châu Á, Malaysia khá tiên phong trong việc ủng hộ quyết định này. Theo đó, quốc gia này chỉ cho phép đón Giáng sinh và năm mới theo nhóm nhỏ. Riêng các sự kiện mừng năm mới hoành tráng sẽ không được cấp phép.
Theo HỒNG VÂN/Tuổi Trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin