Omicron khiến nhiều nước phải nghĩ lại về cách ly y tế và xét nghiệm Covid-19

12:12, 30/12/2021

Tốc độ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục tuần qua, khi biến thể Omicron vượt khỏi tầm kiểm soát giữa bối cảnh các quốc gia đang cố gắng thực hiện mục tiêu kép, vừa ngăn chặn sự lây lan của virus, vừa đảm bảo ổn định kinh tế.

Tốc độ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục tuần qua, khi biến thể Omicron vượt khỏi tầm kiểm soát giữa bối cảnh các quốc gia đang cố gắng thực hiện mục tiêu kép, vừa ngăn chặn sự lây lan của virus, vừa đảm bảo ổn định kinh tế.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Trung bình gần 900.000 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện mỗi ngày trên thế giới từ 22-28/12, với nhiều quốc gia ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong vòng 24 giờ, bao gồm có Mỹ, Australia, các quốc gia ở châu Âu, Argentina và Bolivia.

Mặc dù các nghiên cứu cho thấy Omicron ít gây tử vong hơn so với một số biến thể trước đó, nhưng lại có khả năng lây nhiễm cao, dẫn đến số người mắc bệnh gia tăng và làm các bệnh viện ở một số quốc gia quá tải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục làm việc dù thiếu nhiều nhân lực.

Lo sợ về tác động kinh tế của việc có quá nhiều công nhân phải cách ly ở nhà, giới lãnh đạo chính trị ở một số quốc gia đã cân nhắc việc rút ngắn thời gian cách ly sau khi người lao động có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hôm 29/12, Tây Ban Nha cho biết đã giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, trong khi Italy cho biết họ đang có kế hoạch nới lỏng các quy tắc cách ly đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.

Tại Mỹ, vào đầu tuần này, các cơ quan y tế đã công bố chính sách mới về việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã được xác nhận nhiễm virus từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, miễn là họ không có triệu chứng.

Thủ tướng Australia Scott Morrison muốn thực hiện những thay đổi khẩn cấp đối với các quy tắc xét nghiệm COVID-19 để giảm bớt áp lực cho các điểm xét nghiệm. Ông cho biết, Australia cần thay đổi để quản lý các phòng thí nghiệm quá tải và đưa mọi người thoát khỏi các khu cách ly.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn quyết định không thực hiện những thay đổi trong bối cảnh phải đối đầu với biến thể Omicron.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ không đưa ra các hạn chế mới trong năm nay để hạn chế sự lây lan của Omicron, dù đây là biến thể đang chiếm 90% tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại nước này.

Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách “Không Covid”, phong tỏa 13 triệu người ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, thắt chặt cách li khi 151 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 28/12, mặc dù cho đến nay, chưa có trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron./.

Theo Reuters, VOV.VN

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh