EU xem xét siết chặt thêm các biện pháp phòng dịch

02:12, 08/12/2021

Các bộ trưởng y tế các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ngày 7/12 để thảo luận về các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới Omicron, trong đó 1 số hạn chế phòng dịch dự kiến sẽ được thắt chặt hơn nữa. 

 

Các nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu của hành khách tại sân bay Frankfurt, Đức. (Ảnh: Reuters)
Các nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu của hành khách tại sân bay Frankfurt, Đức. (Ảnh: Reuters)

Các bộ trưởng y tế các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ngày 7/12 để thảo luận về các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới Omicron, trong đó 1 số hạn chế phòng dịch dự kiến sẽ được thắt chặt hơn nữa. 

Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, các nước EU hồi tháng trước đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia nam châu Phi, sau khi một số trường hợp nhiễm biến thể Omicron được phát hiện tại khu vực này, làm dấy lên lo ngại về 1 làn sóng lây nhiễm toàn cầu mới.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng y tế EU thống nhất vẫn tiếp tục duy trì những hạn chế đi lại này, dù biến thể mới cũng đã được phát hiện bên ngoài các quốc gia châu Phi kể trên.

Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge đề xuất có thêm yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính cho tất cả hành khách đến EU từ bên ngoài khối. Ngoài ra, ông cũng đề xuất những người không được tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc bệnh cũng nên được cách ly sau khi nhập cảnh EU.

Liên quan việc phòng, chống biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran kiến nghị xét nghiệm cho tất cả hành khách, bao gồm cả những người đến từ các nước EU.

Trước đó, Bồ Đào Nha đã áp dụng yêu cầu này, bắt buộc xét nghiệm âm tính đối với tất cả các hành khách nhập cảnh vào nước này bằng đường hàng không, ngay cả khi họ đã tiêm phòng và đến từ các quốc gia EU khác.

Dự kiến, các quan chức ngoại giao EU sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này vào thứ sáu.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách y tế của EU, bà Stella Kyriakides cho rằng, tiêm chủng vẫn là công cụ chính để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào xét nghiệm và các biện pháp truy vết đối với những hành khách đến từ các khu vực có nguy cơ cao.

Cùng chung quan điểm, bà Emer Cooke, người đứng đầu Cơ quan Quản lý dược phẩm của EU (EMA) cho rằng, vaccine vẫn là công cụ chính để chống lại dịch bệnh, bởi các vaccine hiện có vẫn có hiệu lực bảo vệ ngay cả trước biến thể Omicron.

Bộ trưởng Y tế sắp mãn nhiệm của Đức, ông Jens Spahn cho biết, việc hạn chế đi lại đến EU vẫn cần thiết cho đến khi các nhà khoa học có thêm thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ông Spahn nhấn mạnh: “Cho đến khi chúng ta biết nhiều hơn về biến thể Omicron, vẫn cần phải thận trọng, và do đó, hạn chế đi lại là cần thiết để giữ cho việc nhập cảnh vào châu Âu nói chung và Đức nói riêng ở mức thấp nhất có thể”.

Bất chấp biến thể mới Omicron lần đầu tiên được phát hiện ra ở châu Phi, châu Âu hiện vẫn là tâm dịch “nóng” của thế giới và đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm biến thể này. Theo số liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến thứ ba, các nước châu Âu đã ghi nhận 274 trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Đồ họa: TRUNG HƯNG
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Trong 24 giờ qua, châu lục này cũng ghi nhận tới hơn 353 nghìn ca nhiễm Covid-19 mới, chiếm hơn 60% tổng số ca mắc mới toàn cầu trong ngày. Châu Âu hiện cũng đang dẫn đầu thế giới về số ca tử vong do đại dịch, với 1.442.172 người không qua khỏi trên tổng số 76.282.730 ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khi bước vào mùa đông, nhiều nước châu Âu đã phải tái áp đặt trở lại các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 7/12 thông báo, nước này sẽ áp dụng trở lại 1 loạt các biện pháp phòng dịch để hạn chế tình trạng lây nhiễm đang gia tăng.

Theo đó, chính phủ đã đề ra 1 kế hoạch 3 cấp độ với nhiều biện pháp có thể được bổ sung thêm nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong đó yêu cầu người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng để tham dự các sự kiện trong nhà với hơn 100 người tham gia.

Thực khách tại 1 nhà hàng ngoài trời ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 1/7/2021. (Ảnh: TT News/Reuters)
Thực khách tại 1 nhà hàng ngoài trời ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 1/7/2021. (Ảnh: TT News/Reuters)

Yêu cầu này dự kiến cũng sẽ sớm được mở rộng sang các sự kiện có quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như tại nhà hàng.

Bộ trưởng Y tế Ba Lan ngày 7/12 cho biết, nước này sẽ tiến hành tiêm chủng bắt buộc cho các bác sĩ, giáo viên và nhân viên an ninh, đồng thời sẽ yêu cầu các nhà hàng kiểm tra giấy chứng nhận tiêm ngừa Covid-19 của khách hàng.

Cùng ngày, Tây Ban Nha đã phê duyệt tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, theo khuyến nghị từ cơ quan quản lý y tế EU cuối tháng trước.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết, dự kiến nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em ở độ tuổi trên từ ngày 13/12. Hiện tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc ở Tây Ban Nha đã đạt gần 80%.

Các nước EU khác như Đức, Italia và Cộng hòa Séc cũng đã chấp thuận việc tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Cơ quan y tế Bồ Đào Nha (DGS) ngày 7/12 cũng “bật đèn xanh” cho việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo đó, dự kiến khoảng 637.907 trẻ em đủ điều kiện ở Bồ Đào Nha sẽ được tiêm, sau khi lô vaccine đầu tiên dự kiến được chuyển đến nước này vào thứ hai tới.

Đồ họa: TRUNG HƯNG
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 phút ngày 8/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng trên 267,3 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 5,2 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là trên 240,5 triệu ca.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch, với trên 50 triệu ca mắc và 812 nghìn ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 34,6 triệu ca mắc và 473 nghìn ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 22,1 triệu ca mắc và 616 nghìn ca tử vong.

Theo TRUNG HƯNG/Báo điện tử Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh