EU chuẩn bị công bố "vũ khí thương mại mới" đối phó hành vi bắt nạt kinh tế

09:12, 07/12/2021

Liên minh châu Âu chuẩn bị công bố một "vũ khí thương mại" mới đầy mạnh mẽ có thể khiến Trung Quốc và các nước bị cáo buộc có hành vi bắt nạt kinh tế bị loại khỏi các lĩnh vực sinh lời của thị trường EU.

Liên minh châu Âu chuẩn bị công bố một "vũ khí thương mại" mới đầy mạnh mẽ có thể khiến Trung Quốc và các nước bị cáo buộc có hành vi bắt nạt kinh tế bị loại khỏi các lĩnh vực sinh lời của thị trường EU.

SCMP cho biết, theo dự thảo được đề xuất, công cụ chống bắt nạt sẽ nhằm vào các quốc gia cố gắng can thiệp vào “những lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong số 27 quốc gia thành viên bằng cách “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại đầu tư”.

Ảnh minh họa: SCMP
Ảnh minh họa: SCMP

Dự thảo cung cấp một loạt hành động trừng phạt mà EU có thể thực hiện khi khối này cho rằng hành vi cưỡng ép, bắt nạt đang được thực hiện, chẳng hạn như áp đặt rào cản thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua việc sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về hành vi bắt nạt thương mại đã được đẩy lên hàng đầu trong chương trình nghị sự EU-Trung Quốc mà điển hình là tranh cãi giữa Litva và Bắc Kinh. Trung Quốc bị cáo buộc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu của Litva sau khi quốc gia vùng Baltic mở rộng quan hệ với lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Theo dự thảo, những bên bị phát hiện có hành vi cưỡng ép có thể bị chặn tiếp cận nguồn cung hàng hóa nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của EU, bị tước quyền sở hữu trí tuệ, bị loại khỏi các lĩnh vực tài chính hoặc hóa chất, hoặc đối mặt với các rào cản về vệ sinh hay kiểm dịch thực vật khi khai thác thị trường thực phẩm của EU.

Tuy nhiên, dự thảo nêu rõ rằng, Brussels coi công cụ này như một biện pháp răn đe và là “phương sách cuối cùng” chỉ áp dụng khi các nỗ lực khác nhằm ngăn chặn hành vi bắt nạt không thành công.

Dự thảo đầy đủ sẽ được công bố vào ngày 8/12 và sau đó cần được sự phê chuẩn của Hội đồng châu Âu cùng Quốc hội châu Âu trước khi được ký thành luật./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh