Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 bế mạc tại thủ đô Roma, Italy sau hai ngày họp tuyên bố chung lần đầu tiên ghi nhận các cam kết tương đối mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 bế mạc tại thủ đô Roma, Italy sau hai ngày họp tuyên bố chung lần đầu tiên ghi nhận các cam kết tương đối mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy, ngày 30/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày họp, lãnh đạo các nước G20 khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, thể hiện cụ thể bằng mục tiêu đẩy nhanh việc phân phối vaccine trên toàn cầu để đến giữa năm 2022, ít nhất 70% dân số thế giới sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Về mặt chính sách kinh tế, các lãnh đạo G20 cũng đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các tập đoàn đa quốc gia, một cải cách thuế được xem là chưa từng có tiền lệ trong hệ thống tài chính quốc tế, có thể giúp các quốc gia thu về thêm hàng trăm tỷ USD tiền thuế.
Tuy nhiên, diễn ra gần như cùng thời điểm với Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc COP26 nên các cuộc thảo luận tại G20 về vấn đề khí hậu được đặc biệt quan tâm, bởi nhóm các nước G20 chiếm đến 80% lượng khí phát thải trên toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, G20 đã phát đi các tín hiệu đáng khích lệ khi đưa ra các cam kết mạnh về chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nước chủ nhà Italy, ông Mario Draghi cho biết: “Sự kiện chính của cuộc họp lần này là về khí hậu, khi lần đầu tiên các nước G20 đã cam kết theo đuổi mục tiêu giữ cho trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, và kèm theo đó là một loạt các hành động tức thời cũng như các cam kết trung hạn”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia môi trường, việc G20 lần đầu tiên ủng hộ mục tiêu giữ trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, là một bước tiến lớn bởi từ khi mục tiêu này được ghi trong Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015, nội bộ G20 vẫn có rất nhiều tranh cãi do trong G20 vẫn có những nền kinh tế còn dựa nhiều vào than đá như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Australia.
Ngoài việc cam kết với mục tiêu trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ, các lãnh đạo G20 cũng đã đạt được một nhận thức chung quan trọng khác là nhấn mạnh việc cần thiết đạt được mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này. Mặc dù không xác định chính xác mốc thời gian đạt mục tiêu này nhưng 17 trong số 20 nền kinh tế G20 đã cam kết đạt mức trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ, dao động từ năm 2045 đến năm 2060. Chỉ có 3 quốc gia là Ấn Độ, Indonesia và Mexico là chưa đưa ra cam kết. Cuối cùng, các nước G20 cũng đã cam kết chấm dứt việc hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than tại các quốc gia nằm ngoài nhóm G20.
Mặc dù chưa thể coi là một đột phá quan trọng nhưng theo giới quan sát, kết quả đạt được tại G20 cũng đã là một cam kết tích cực ngay trước khi COP26 chính thức khai mạc./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin