COVID-19 thế giới ngày 24/11: WHO cảnh báo châu Âu sẽ có thêm 700.000 ca tử vong

01:11, 24/11/2021

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người chết vì COVID-19 tại châu Âu có thể lên đến 2,2 triệu người trong mùa đông nếu tình hình lây nhiễm tại châu lục này cứ tiếp tục như hiện nay.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người chết vì COVID-19 tại châu Âu có thể lên đến 2,2 triệu người trong mùa đông nếu tình hình lây nhiễm tại châu lục này cứ tiếp tục như hiện nay.

 Dữ liệu tiêm chủng và tử vong tại châu Âu cho thấy tỉ lệ tiêm chủng càng cao, tỉ lệ tử vong càng thấp - Ảnh: Twitter
Dữ liệu tiêm chủng và tử vong tại châu Âu cho thấy tỉ lệ tiêm chủng càng cao, tỉ lệ tử vong càng thấp - Ảnh: Twitter

Theo Hãng tin AFP, châu Âu đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh, buộc Áo phải phong tỏa trở lại từ đầu tuần này trong khi Đức và Hà Lan cân nhắc các biện pháp hạn chế mới.

WHO: Hơn 2,2 triệu ca tử vong tại châu Âu vào tháng 3/2022

Ngày 23/11, WHO cho biết tới ngày 1/3/2022, dự báo có thêm 700.000 người tại châu Âu chết vì COVID-19. Hiện nay, lục địa già này đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca tử vong vì đại dịch.

Theo đó, WHO dự kiến "căng thẳng cao hoặc cực độ trong các đơn vị săn sóc đặc biệt tại 49 trong 53 quốc gia châu Âu từ nay cho đến ngày 1/3/2022".

Tuần trước, số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu đã tăng lên gần 4.200 ca/ngày, hơn gấp đôi so với con số 2.000 ca/ngày hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Châu Âu trở thành tâm điểm của đại dịch lần nữa do tỉ lệ tiêm chủng chậm chạp ở một số nước trong khu vực này.

Tại Liên minh châu Âu (EU), 67,7% người dân đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, độ phủ vắc xin chênh lệch khá lớn giữa các quốc gia trong EU, với tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều quốc gia phía đông.

Chỉ 24,2% người Bulgaria đã tiêm đầy đủ, so với 86,7% tại Bồ Đào Nha.

WHO cho biết có bằng chứng cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin đối với việc lây nhiễm và bệnh nhẹ đang giảm theo thời gian.

Biểu tình và số ca mắc mới tăng tại châu Âu

Ông Hans Kluge - giám đốc khu vực châu Âu của WHO - cảnh báo châu Âu và Trung Á "phải đối mặt với mùa đông nhiều thách thức".

Ông Kluge kêu gọi mọi người tuân thủ chiến lược "vắc xin +", khẳng định phải kết hợp giữa tiêm vắc xin với các biện pháp phòng dịch khác như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Tuy nhiên, viễn cảnh mùa đông với những hạn chế mới đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn tại nhiều quốc gia châu Âu. Bỉ, Hà Lan và quần đảo Guadeloupe của Pháp vẫn đang chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch hà khắc mới.

Theo AFP, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ ít nhất 21 người trong đêm biểu tình bạo lực thứ tư. Hơn 35.000 người cũng xuống đường biểu tình tại thủ đô Brussels, Bỉ để phản đối các hạn chế mới.

Hà Lan cũng bắt đầu chuyển bệnh nhân COVID-19 sang Đức để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế trong nước. Theo báo Guardian, số ca mắc mới tại Hà Lan đã đạt kỷ lục hằng tuần mới vào ngày 23/11 với gần 23.000 ca mắc mới trong 24 giờ, tăng 39% so với tuần trước đó.

Ngày 23/11, Pháp cũng ghi nhận hơn 30.000 ca bệnh trong 24 giờ, tăng vọt so với hơn 5.000 ca bệnh trong 24 giờ của ngày trước đó.

Cùng ngày, Anh ghi nhận hơn 42.400 ca bệnh trong 1 ngày. Ước tính 75% chính quyền địa phương tại Anh có số ca mắc mới tăng mạnh so với tuần trước đó.

Nguyên do số ca nhiễm giảm tại Ấn Độ, Indonesia

Tại châu Á, ngày 23/11 Ấn Độ ghi nhận hơn 7.500 ca mắc mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày thấp nhất trong vòng 18 tháng qua bất chấp các buổi tụ tập lễ hội hồi đầu tháng 11. Theo chuyên gia Ấn Độ, nguyên nhân chủ yếu do phần lớn người dân Ấn Độ đã có kháng thể nhờ tiêm vắc xin và lây nhiễm tự nhiên.

Tính đến nay, khoảng 81% trong 944 triệu người trưởng thành tại Ấn Độ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, trong đó có 43% được tiêm đầy đủ. Ấn Độ chưa triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi.

Tương tự Ấn Độ, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Indonesia cho rằng nguyên nhân số ca mắc mới theo ngày giảm mạnh trong 3-4 tháng qua tại nước này là do nhiều khả năng 80% người dân đã nhiễm biến chủng Delta.

Theo ANH THƯ/Tuổi Trẻ

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh