Trong tuần qua, châu Âu là nơi duy nhất trên thế giới ghi nhận cả số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng khi "bão" Covid-19 quay trở lại khu vực này.
Trong tuần qua, châu Âu là nơi duy nhất trên thế giới ghi nhận cả số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng khi "bão" Covid-19 quay trở lại khu vực này.
Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Nga tăng mạnh (Ảnh: Reuters). |
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần tính đến ngày 7/11, số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu giảm 4%, tất cả các khu vực đều giảm, ngoại trừ châu Âu. Cụ thể, số ca tử vong do Covid-19 ở châu Âu tăng khoảng 10%.
Báo cáo cho biết, trong tuần, thế giới có thêm 3,1 triệu ca Covid-19 mới, tăng khoảng 1% so với tuần trước. Trong đó, gần 2/3 số ca nhiễm toàn cầu (khoảng 1,9 triệu ca) ghi nhận ở châu Âu. Số ca mắc mới tuần qua ở châu Âu tăng 7% so với tuần trước đó. Nga, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức là những nước có số ca mắc mới cao nhất.
Đây là tuần thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở khu vực này tăng.
Moscow Times dẫn số liệu của Bộ Y tế Nga cho biết, trong ngày 10/11, Nga tiếp tục ghi nhận ngày có số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục với 1.239 ca trong vòng 24h.
Với số người chết vì Covid-19 liên tiếp lập kỷ lục mới, lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, Nga vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có số người tử vong vì Covid-19 trong tuần cao nhất thế giới, vượt qua Mỹ. Nước này ghi nhận trung bình khoảng 40.000 ca mắc và hơn 1.100 ca tử vong mỗi ngày kể từ cuối tháng 10.
Số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở Nga gia tăng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở nước này còn thấp trong khi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách lỏng lẻo. Tính đến nay, chưa đầy 40% trong số gần 146 triệu người dân Nga đã tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19.
Trong khi đó, tại Đức, hơn 67% dân số đã được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, nhưng số ca Covid-19 cũng có xu hướng tăng mạnh trở lại gần đây. Hôm 5/11, Đức ghi nhận hơn 37.000 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu dịch.
Đức cũng ghi nhận tuần có tỷ lệ mắc Covid-19 cao chưa từng thấy, khoảng 201 ca trên 100.000 người. Theo giới chuyên gia, hai trong số các yếu tố khiến Đức đối mặt với một đợt bùng dịch mạnh là do tỷ lệ tiêm chủng đang chững lại trong khi đó mức độ bảo vệ do vaccine tạo ra trong dân cư có xu hướng giảm sau 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm qua cho biết, Pháp đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ 5. "Một số nước láng giềng đã bước vào làn sóng thứ 5 Covid-19, trong khi Pháp dường như mới chỉ bắt đầu", Bộ trưởng Veran nói. Số ca nhiễm mới theo tuần ở Pháp tăng với tỷ lệ hai con số kể từ giữa tháng 10.
Tuần trước, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu Hans Kluge nhận định, khu vực này đang trở lại thành tâm dịch của thế giới. Ông cảnh báo, châu Âu có thể ghi nhận thêm 500.000 ca tử vong từ nay cho đến tháng 2/2022 nếu các nước không hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn đà lây lan của virus.
Theo Minh Phương/Báo điện tử Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin