Anh mời các nước Đông Nam Á đến hội nghị G7 tháng 12 bàn về AUKUS

08:11, 22/11/2021

Anh đã mời các nước Đông Nam Á tham dự hội nghị ngoại trưởng của G7 tại thành phố Liverpool vào tháng sau, trong bối cảnh có những lo ngại về việc thỏa thuận ba bên AUKUS sẽ thổi bùng cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Anh đã mời các nước Đông Nam Á tham dự hội nghị ngoại trưởng của G7 tại thành phố Liverpool vào tháng sau, trong bối cảnh có những lo ngại về việc thỏa thuận ba bên AUKUS sẽ thổi bùng cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

 Ngoại trưởng Anh Liz Truss - Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Anh Liz Truss - Ảnh: REUTERS

Anh, Úc và Mỹ đã thành lập một thỏa thuận hợp tác ba bên có tên AUKUS. Thỏa thuận này bao gồm những cam kết chia sẻ thông tin, công nghệ quốc phòng giữa ba nước, trong đó nổi bật là việc Anh và Mỹ sẽ hỗ trợ Úc đóng một đội tàu ngầm hạt nhân.

Các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện có quan điểm chia rẽ về thỏa thuận này. Điển hình là Indonesia và Malaysia đã lên tiếng chỉ trích AUKUS một cách mạnh mẽ.

Theo báo Guardian, phía Anh đã mời các nước ASEAN đến tham dự hội nghị vào ngày 10-12 tại Liverpool. 

Đây là lần thứ 2 Anh tổ chức hội nghị ngoại trưởng cho G7 (nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới) trong cương vị chủ tịch luân phiên năm 2021.

Khoảng 21 ngoại trưởng của các nước sẽ tham gia hội nghị vào ngày 10-12. Cả Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi cũng được mời tham sự.

Nói về hội nghị sắp tới, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết: “Tôi mong chúng ta cùng xây dựng mạng lưới tự do toàn cầu, thúc đẩy tự do, dân chủ và hoạt động doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các quốc gia cùng chí hướng hợp tác”.

Phát biểu hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto khẳng định quốc gia của ông mong muốn Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi lo ngại điều này (AUKUS) sẽ thổi bùng cuộc chạy đua vũ trang, kích động các quốc gia tìm cách sở hữu tàu ngầm hạt nhân”, ông Subianto nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng nguy cơ đến từ AUKUS là quá cao.

“Nếu Biển Đông có nhiều hoạt động quân sự, điều đó có thể nâng cao nguy cơ xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn. Chuyện này từng xảy ra trong quá khứ và tất cả chúng ta phải công nhận rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất đã bắt đầu bởi một sự cố”, ông Hussein cảnh báo.

Theo Guardian, Myanmar là quốc gia ASEAN duy nhất không được mời đến hội nghị G7 sắp tới.

Thay vào đó, phía Anh đề nghị Myanmar cử đại diện không thuộc chính quyền quân sự đương nhiệm tham gia hội nghị qua video. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc mới đây cũng áp dụng cách thức này.

Anh, Úc và Mỹ ký thỏa thuận chia sẻ thông tin về động cơ hạt nhân

Ngày 22/11, Úc đã chính thức khởi động chương trình gây tranh cãi nhằm trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho hải quân, thuộc khuôn khổ thỏa thuận ba bên AUKUS.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã cùng với các nhà ngoại giao Mỹ và Anh ký thỏa thuận cho phép trao đổi "thông tin nhạy cảm về động cơ hạt nhân của tàu hải quân" giữa ba nước.

Đây là thỏa thuận đầu tiên về công nghệ được ký kết công khai kể từ khi AUKUS được thành lập vào tháng 9/2021.

AUKUS đã chọc giận Trung Quốc. Bắc Kinh gọi thỏa thuận này là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực.

Theo NGUYÊN HẠNH/Tuổi Trẻ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh