Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, Mỹ và các nước thành viên "lo ngay ngáy"

12:10, 14/10/2021

Việc 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong CPTPP sẽ phản ứng như thế nào trước nỗ lực của Trung Quốc để gia nhập hiệp định này sẽ phản ánh những hàm ý chiến lược lớn lao không chỉ với khu vực mà còn với toàn bộ thế giới.

Việc 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong CPTPP sẽ phản ứng như thế nào trước nỗ lực của Trung Quốc để gia nhập hiệp định này sẽ phản ánh những hàm ý chiến lược lớn lao không chỉ với khu vực mà còn với toàn bộ thế giới.

Tháng 9/2021, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một thỏa thuận an ninh khu vực từng được biết tới với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

CPTPP không chỉ đơn giản là một khung hợp tác kinh tế nhằm thiết lập các điều khoản thương mại và kinh doanh mới giữa các nước thành viên.

CPTPP ban đầu được thiết kế nhằm xây dựng các quy tắc thương mại và dòng chảy dữ liệu minh bạch trong khối như một liên minh thiết lập các quy tắc, dẫn đầu là Mỹ và Nhật Bản, đồng thời gây sức ép để Trung Quốc chấp nhận những quy tắc này.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, vận mệnh của hiệp định thương mại trên đã thay đổi mạnh mẽ. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện lời hứa tranh cử của mình và rút khỏi thỏa thuận này.

Vì vậy, 11 quốc gia còn lại đã ký kết một hiệp định mới mà không có nền kinh tế lớn nhất thế giới và hiệp định này có hiệu lực vào cuối năm 2018. Người kế nhiệm của ông Trump, Tổng thống Biden cũng không mấy sẵn sàng trong việc thúc đẩy Washington quay lại hiệp định.

Trung Quốc coi sự vắng mặt của Mỹ là một cơ hội chiến lược lớn và vào tháng trước, nước này đã tận dụng điều đó. Theo nhà quan sát Hiroyuki Akita nhận định trên Nikkei Asia, rõ ràng, mục đích của Bắc Kinh là biến hiệp định này thành một khu vực kinh tế với Trung Quốc là trung tâm.

Câu hỏi đặt ra là các nước thành viên của CPTPP sẽ phản ứng như thế nào trước động thái của Trung Quốc? Hiện nay, các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau.

Ủng hộ hay phản đối Trung Quốc gia nhập CPTPP?

Một bên ủng hộ việc tiến hành các cuộc trao đổi về tư cách thành viên của Trung Quốc một cách chủ động. Để gia nhập CPTPP, Trung Quốc cần thực hiện những bước đi nhằm làm hài hòa các chính sách và quy định theo các tiêu chuẩn mà hiệp định đặt ra, chẳng hạn như việc dừng các quy định của nước này với các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, chấm dứt chính sách trợ giúp các doanh nghiệp sở hữu nhà nước qua việc chính phủ thu mua và nhà nước trợ giá, cũng như cấm lao động cưỡng ép.

Bên ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc cũng cho rằng việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ buộc Trung Quốc phải thúc đẩy các nỗ lực cải cách quy định và chính sách, từ đó dần trở thành chất xúc tác để dẫn đến nhiều sự thay đổi quyết liệt hơn.

Trong khi đó, bên phản đối Trung Quốc gia nhập CPTPP chỉ ra rằng, Bắc Kinh sẽ yêu cầu những ngoại lệ nhất định trong các quy định của CPTPP bởi vì nước này khó có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn trong hiệp định. Với việc chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào, hiệp định gồm 11 nước này không những không đưa Trung Quốc tiến gần hơn các tiêu chuẩn của CPTPP mà trên thực tế còn đẩy hiệp định này tiến về phía các tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

Ngoài ra, có một lý do mạnh mẽ hơn cho việc không để Trung Quốc gia nhập CPTPP. Đó là một quốc gia chỉ được phép tham gia hiệp định khi tất cả các thành viên nhất trí với điều đó. Nếu Trung Quốc trở thành thành viên của CPTPP trước Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ phủ quyết việc Washington xin gia nhập hiệp định.

Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ mãi mãi bị loại khỏi cuộc chơi trong khi Trung Quốc tái định hình CPTPP thành một công cụ mạnh mẽ để thực hiện những tham vọng chiến lược của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chuỗi cung ứng của khu vực này sẽ hội nhập với hệ sinh thái khổng lồ của Trung Quốc, vốn chi phối mạnh mẽ tình hình kinh tế khu vực, theo chiến lược quốc gia của Bắc Kinh.

Tác động tới sự đoàn kết của châu Á – Thái Bình Dương?

Sự gia nhập của Trung Quốc vào CPTPP cũng có những tác động to lớn đến môi trường an ninh khu vực. Tháng 4/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Ash Carter trong một bài phát biểu tại Viện McCain thuộc Đại học bang Arizona về "giai đoạn tiếp theo" của chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, đã nhấn mạnh đến giá trị chiến lược của hiệp định thương mại trên khi nói rằng: "Việc thông qua TPP cũng quan trọng với tôi như việc sở hữu một tàu sân bay vậy".

Nói cách khác, việc để cho Trung Quốc kiểm soát CPTPP có thể khiến Mỹ tổn thất nặng nề về mặt chiến lược, thậm chí còn lớn hơn việc một Bộ trưởng Quốc phòng mất đi một tàu sân bay.

Sau khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP ngày 16/9, Trung Quốc không lãng phí thời gian khi bắt đầu "tấn công ngoại giao" để thực hiện nỗ lực này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức cấp cao trong Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiến hành các cuộc điện đàm với những nhà hoạch định chính sách hàng đầu của 5 trong 11 nước thành viên CPTPP.

Các hoạt động ngoại giao này đã giúp Trung Quốc giành được sự ủng hộ của Brunei, Mexico và New Zealand cho nỗ lực gia nhập hiệp định thương mại 11 nước thành viên trên.

Rõ ràng, chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy chiến dịch vận động hành lang để giành được sự ủng hộ nhằm gia nhập CPTPP trước khi các cuộc đàm phán chính thức diễn ra.

Các cuộc trao đổi chính thức về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP vẫn chưa bắt đầu cho tới khi đạt được sự nhất trí giữa tất cả các nước thành viên.

Điều này dường như chưa thể sớm diễn ra. Tuy nhiên, theo nhà quan sát Hiroyuki Akita, ít nhất thì Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ban đầu của mình. Đó là chia rẽ nhóm này và làm suy yếu vai trò của nó như một bức tường thành nhằm chống lại ảnh hưởng khu vực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Khả năng Mỹ quay lại CPTPP

Nếu Tổng thống Biden muốn đưa Mỹ quay lại hiệp định CPTPP, chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với những trở ngại chính trị to lớn.

Theo một nguồn tin thân cận, những người có quan điểm đối lập không chỉ bao gồm những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump mà còn cả các thành viên đảng Dân chủ ủng hộ chính trị cánh tả thân thiết với các hiệp hội lao động.

Đây là những người coi bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào đều là biểu tượng cho việc người dân Mỹ bị thất nghiệp khi việc làm bị chuyển sang các nước khác.

Dù vậy, việc Mỹ tái gia nhập CPTPP không phải không có khả năng. Trong cuộc họp nhóm Bộ Tứ (Quad) bao gồm các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ ngày 24/9, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Yoshihide Suga đã hối thúc Tổng thống Biden đưa Mỹ quay lại CPTPP.

Mặc dù không đưa ra bất kỳ cam kết nào nhưng Tổng thống Biden đã phản hồi lại rằng ông sẽ suy nghĩ về những hệ quả của việc Trung Quốc gia nhập hiệp định này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra phản ứng tương tự trước đề nghị của người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong cuộc gặp ngày 22/9.

Matthew Goodman, phó chủ tịch phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược không loại trừ khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP.

"Vẫn có khả năng Mỹ sẽ quay lại TPP. Sự tham gia của Trung Quốc khiến ông Biden có dịp để đối mặt nghiêm túc về vấn đề TPP và tái cân nhắc các lựa chọn của mình.

Chẳng hạn, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11, Tổng thống Biden có thể sẽ quan tâm đến việc quay lại TPP và đề cập đến các điều kiện cho việc này", ông Goodman nhận định.

Nếu Tổng thống Biden quyết định đi theo hướng này thì ông có thể sẽ yêu cầu tiến hành các cuộc tái đàm phán để bổ sung thêm các điều khoản nhằm xoa dịu những người lao động Mỹ phản đối thỏa thuận này. Quá trình tái đàm phán như vậy dự kiến sẽ mất một khoảng thời gian dài./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh