Các nước Đông Nam Á từng bước triển khai chương trình du lịch không cách ly sau thành công của sáng kiến "Hộp cát Phuket" của Thái Lan.
Du khách dạo chơi ở bãi biển Phuket - Thái Lan hồi tháng 9. Ảnh: REUTERS |
Các nước Đông Nam Á từng bước triển khai chương trình du lịch không cách ly sau thành công của sáng kiến "Hộp cát Phuket" của Thái Lan.
Thái Lan đã đánh cược khi mở cửa đảo nghỉ dưỡng Phuket vào tháng 7-2021 cho du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ dù lúc đó số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục gia tăng trong nước.
Tính đến ngày 29/9, "Hộp cát Phukhet" đã thu hút hơn 38.000 lượt khách quốc tế, trong đó chỉ 0,3% du khách dương tính với SARS-CoV-2, đem lại cho Thái Lan 1,63 tỉ baht (tương đương 48,3 triệu USD) trong 2 tháng 7 và 8.
Indonesia cũng đang cân nhắc mở cửa trở lại đảo Bali cho du khách nước ngoài sau thời gian trì hoãn. Kế hoạch của Indonesia là cho phép du khách nghỉ dưỡng trong "vùng an toàn" Nusa Dua, Ubud và Sanur của hòn đảo.
Ngày 2-10, khoảng 10.000 người đã tham dự lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn đầu tiên của Indonesia tại TP Jayapura kể từ khi bùng dịch - được xem là phép thử cho chiến lược sống chung với Covid-19. Còn tại Malaysia, đảo Langkawi mở cửa đón khách du lịch trong nước đã tiêm phòng từ ngày 16-9.
Theo tờ Straits Times, 19 tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực hồi sinh ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan, vốn đã thiệt hại ước tính 2.400 tỉ USD trên toàn cầu vào năm ngoái.
Gần 1/2 chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) gần đây cho rằng du lịch quốc tế sẽ không phục hồi trở lại mức trước đại dịch trước năm 2024.
Dù vậy, hoạt động du lịch đang dần được nối lại ở các nước. Kể từ ngày 8-9, những hành khách được tiêm chủng đầy đủ đã có thể đi lại giữa Singapore và Đức. Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa "hành lang không cách ly" cho những người được tiêm chủng đầy đủ giữa châu Âu và châu Á.
Một tín hiệu vui khác là hãng dược Merck (Mỹ) và đối tác Ridgeback Biotherapeutics cho biết sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir sau khi cuộc thử nghiệm cho thấy thuốc điều trị này giúp giảm 1/2 nguy cơ tử vong và nhập viện vì Covid-19.
Merck cho biết Molnupiravir có hiệu quả chống lại tất cả biến thể SARS-CoV-2, bao gồm Delta.
Số liệu từ Reuters cho thấy tính đến ngày 1/10, tổng số người tử vong do Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc 5 triệu, trong khi hơn 1/2 dân số thế giới chưa tiêm vắc-xin. Trung bình mỗi ngày trên thế giới hiện có 8.000 ca tử vong do Covid-19, tương đương 5 trường hợp/phút. Mỹ là quốc gia có tổng số ca tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay, với hơn 700.000 ca.
Theo Xuân Mai/Báo Người Lao Động (www.chinphu.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin