WHO sắp chọn tổng giám đốc mới, ông Tedros vẫn được ủng hộ?

01:09, 24/09/2021

Việc ông Tedros được các nước châu Âu đề cử giữ chức tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nhiệm kỳ thứ 2 là một điều bất ngờ. Trước đây, quan hệ giữa Mỹ và WHO đã hết sức căng thẳng.

Việc ông Tedros được các nước châu Âu đề cử giữ chức tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nhiệm kỳ thứ 2 là một điều bất ngờ. Trước đây, quan hệ giữa Mỹ và WHO đã hết sức căng thẳng.

 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP

Ngày 24/9, Hãng tin AFP tiết lộ thông tin gần 20 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đề cử ông Tedros Adhanom Ghebreyesus giữ chức tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhiệm kỳ thứ 2. Họ đề cử ngay trước khi qua hạn chót vào ngày 23/9.

Các quốc gia thành viên của WHO có hạn chót đến 16h chiều 23/9 để đề cử các ứng viên. Trước đó, hôm 22-9, Đức thông báo họ đang đề xuất ông Tedros. Theo AFP, dường như ông Tedros là ứng cử viên duy nhất trong cuộc đua vào ghế tổng giám đốc WHO tiếp theo.

"Ngày 23/9, Pháp và Đức, phối hợp với một nhóm quốc gia EU khác, đã đề cử ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho cuộc bầu chọn tổng giám đốc WHO vào tháng 5/2022" - phái đoàn thường trực của Pháp và Đức tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva viết trên Twitter.

Các nguồn tin ngoại giao nói với AFP rằng các quốc gia EU khác đã có động thái nối gót Đức. Họ ủng hộ ông Tedros, cựu ngoại trưởng và là cựu bộ trưởng y tế Ethiopia, tiếp tục làm tổng giám đốc WHO thêm nhiệm kỳ 5 năm.

Mỗi quốc gia, trong đó có Áo, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... đã nộp một phong bì niêm phong lên WHO có trụ sở tại Geneva. WHO sẽ chỉ mở phong bì sau ngày 1/10. Một vài tuần sau đó, danh sách các ứng viên được đề cử sẽ được gửi đến 194 quốc gia thành viên của WHO trước khi công bố rộng rãi.

Các quốc gia thành viên sẽ bầu tổng giám đốc tiếp theo của WHO - có nhiệm kỳ bắt đầu vào tháng 8-2022 - trong một cuộc bỏ phiếu kín vào tháng 5 tại Đại hội đồng Y tế thế giới, cuộc họp thường niên chính của các quốc gia thành viên WHO.

Năm 2017, ông Tedros trở thành người châu Phi đầu tiên làm tổng giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc này. Tại cuộc họp báo hôm 22-9, khi được AFP hỏi về vấn đề tranh cử nhiệm kỳ thứ 2, ông Tedros từ chối xác nhận.

Trong suốt đại dịch COVID-19, ông Tedros đã hứng không ít chỉ trích từ các nước, đặc biệt là nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump. Phía Mỹ đã liên tục gây sức ép lên WHO, cho rằng tổ chức này lẫn ông Tedros quá mềm mỏng và có quan điểm "thân Trung Quốc". Căng thẳng giữa WHO và Mỹ lên tới đỉnh điểm khi ông Trump cắt viện trợ cho WHO và tuyên bố rút khỏi tổ chức này.

Các tranh cãi giữa Mỹ và WHO lắng xuống sau khi ông Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ vào đầu năm 2021. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã tuyên bố hủy quyết định rút khỏi WHO của chính quyền tiền nhiệm.

Theo AFP, việc ông Tedros được các nước châu Âu đề cử là một điều bất ngờ. Bởi vì hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán rằng sự ủng hộ chính thức dành cho ông sẽ đến từ các quốc gia châu Phi.

Theo BÌNH AN/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh