Những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra ở châu Phi thời gian gần đây đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu lục này đã trải qua trong hai thập kỷ gần đây, quay trở lại kỷ nguyên mà các cuộc đảo chính là "chuyện thường" ở châu Phi.
Những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra ở châu Phi thời gian gần đây đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu lục này đã trải qua trong hai thập kỷ gần đây, quay trở lại kỷ nguyên mà các cuộc đảo chính là “chuyện thường” ở châu Phi.
Chỉ trong hơn một năm, châu Phi đã trải qua ba cuộc đảo chính thành công (hai cuộc ở Mali và một cuộc gần đây ở Guinea), một âm mưu đảo chính bất thành ở Niger và một cuộc chuyển giao quyền lực quân sự ở Chad sau vụ ám sát tổng thống.
Những cuộc tranh giành quyền lực này đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu Phi đã trải qua trong hai thập kỷ gần đây, quay trở lại kỷ nguyên mà các cuộc đảo chính là “chuyện thường” ở châu Phi.
Lực lượng đảo chính được chào đón trên đường phố ở thủ đô Conakry của Guinea. Ảnh: Getty |
Theo một nghiên cứu, châu Phi cận Sahara đã trải qua 80 cuộc đảo chính thành công và 108 cuộc đảo chính bất thành từ năm 1956 đến năm 2001, trung bình 4 cuộc/năm. Con số này đã giảm một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2002-2019 khi hầu hết các quốc gia châu Phi chuyển sang nền dân chủ. Vậy tại sao “bóng ma” đảo chính lại một lần nữa quay trở lại?
Vấn đề cũ trong thời kỳ mới
Trong những thập kỷ đầu thời hậu thuộc địa, khi đảo chính nổ ra tràn lan, các nhà lãnh đạo đảo chính ở châu Phi hầu như luôn đưa ra những lý do giống nhau để lật đổ các chính phủ: tham nhũng, quản lý yếu kém và nghèo đói.
Lãnh đạo cuộc đảo chính gần đây ở Guinea, Đại tá Mamady Doumbouya một lần nữa lặp lại những lời biện minh này, viện dẫn "nghèo đói và nạn tham nhũng phổ biến" là lý do lật đổ Tổng thống Alpha Conde.
Trong khi đó, lực lượng quân đội dẫn đầu cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali năm ngoái tuyên bố “hành vi trộm cắp” và “quản trị yếu kém” đã thúc đẩy họ hành động.
Các tướng lĩnh của Sudan và Zimbabwe, những người đã lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2019 và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe vào năm 2017, đã nêu lập luận tương tự.
Mặc dù đã quá quen thuộc nhưng những lời biện minh này hiện vẫn gây được tiếng vang đối với nhiều người dân châu Phi vì lý do đơn giản là nó tiếp tục mô tả chính xác tình hình thực tế đất nước của họ. Thậm chí, ở nhiều quốc gia, mọi người còn cảm thấy vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Mạng lưới nghiên cứu Afrobarometer đã tiến hành khảo sát ở 19 quốc gia châu Phi, cho thấy cứ 10 người được hỏi thì có 6 người nói rằng tham nhũng đang gia tăng ở đất nước họ (con số này là 63% ở Guinea) trong khi 2/3 nói rằng chính phủ của họ đang “rất yếu kém” trong chống tham nhũng.
Thêm vào đó, có tới 72% tin rằng công dân dân bình thường “có nguy cơ bị trả thù hoặc gánh chịu hậu quả tiêu cực khác” nếu họ báo cáo về các trường hợp tham nhũng cho chính quyền. Đây là chỉ dấu cho thấy người châu Phi mất niềm tin, cho rằng cơ quan công quyền không chỉ tham gia mà còn tích cực bảo vệ các hành vi tham nhũng có hệ thống.
Cơn ác mộng nghèo đói càng trở nên tồi tệ hơn khi các nền kinh tế mong manh của châu Phi bị đại dịch Covid-19 vùi dập. Cứ 3 người thì có 1 người ở Nigeria – nền kinh tế lớn nhất Tây Phi bị thất nghiệp. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Nam Phi – quốc gia công nghiệp hóa nhất châu Phi.
Châu Phi là lục địa có dân số trẻ nhất trên thế giới và dân số ở khu vực này cũng tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Điều này làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên vốn đã vô cùng khốc liệt.
Những yếu tố nêu trên tạo ra điều kiện “màu mỡ” cho các cuộc đảo chính khi những người trẻ tuổi ở châu lục này ngày càng cảm thấy tuyệt vọng, mất kiên nhẫn với các nhà lãnh đạo tham nhũng. Họ đặt kỳ vọng rất nhiều vào những nhân vật đảo chính – những người hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản.
“Phản ứng ban đầu như những gì bạn thấy trên đường phố sẽ là vui mừng, nhưng rất nhanh thôi, mọi người sẽ đòi hỏi hành động thực chất... và tôi không chắc quân đội có thể thực hiện như mong đợi, cung cấp dịch vụ cơ bản, hơn thế nữa là các quyền tự do”, Joseph Sany, Phó Chủ tịch Trung tâm châu Phi tại Viện Hòa bình Mỹ nhận định.
Hệ lụy khó lường
Điều rõ ràng là đảo chính đe dọa nghiêm trọng đến những lợi ích dân chủ mà các nước châu Phi đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu cho thấy nhiều người châu Phi ngày càng không còn tin rằng các cuộc bầu cử có thể chọn ra lãnh đạo mà họ mong muốn.
Các cuộc khảo sát được thực hiện ở 19 quốc gia châu Phi trong khoảng thời gian năm 2019-2020 cho thấy chỉ có 4/10 người được hỏi (42%) tin rằng các cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp để đảm bảo “các nghị sĩ phản ánh quan điểm của cử tri” và để “cho phép cử tri loại bỏ các nhân vật không phù hợp cho vị trí lãnh đạo”.
Có thể nói, không phải là người châu Phi không còn muốn tự mình lựa chọn các nhà lãnh đạo đất nước thông qua bầu cử, mà đơn giản chỉ là nhiều người hiện cho rằng hệ thống chính trị đã bị một bộ phận thao túng.
Đại tá Doumbouya, người dẫn đầu cuộc đảo chính ở Guinea mới đây đã trích lời cựu Tổng thống Ghana Jerry Rawlings – người từng dẫn đầu hai cuộc đảo chính: “Nếu người dân bị giới tinh hoa của họ chèn ép, quân đội phải trả lại tự do cho người dân”.
Không phải ngẫu nhiên Doumbouya dẫn lời Rawlings – người đã rất thành công trong việc bày tỏ sự tức giận mà người Ghana muốn trút lên giới tinh hoa chính trị của họ khi ông lãnh đạo quân đội vào những năm 1980. Những người dân tuyệt vọng có thể dễ dàng bị dụ dỗ bởi những luận điệu chống đối, chống tham nhũng, những lời hứa đổi mới.
Giới quan sát cho rằng, đảo chính có thể xảy ra thường xuyên hơn ở châu Phi trong những năm tới. Nguy cơ này sẽ khiến châu Phi trở nên kém ổn định, viễn cảnh tiêu cực này có thể gây tâm lý lo ngại trong các nhà đầu tư và khiến tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu có thể đảo ngược được xu hướng không mong muốn này không? Câu trả lời là có. Trong khi tiếng nói lên án của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng để răn đe những người nắm quyền lực trong tay thì những người duy nhất thực sự có sức mạnh để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này là chính các nhà lãnh đạo châu Phi.
Điều các nhà lãnh đạo châu Phi cần làm ngay đó là củng cố niềm tin đối với người dân thông qua việc xử lý rốt ráo những vấn đề tồn tại, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với những quyết sách của họ nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, mang lại sự ổn định trong xã hội./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin