Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trên nhiều mặt trận. Khu vực sông Mekong cũng là một mặt trận như thế.
Lính Trung Quốc tuần tra trên dòng sông Lan Thương-Mekong. Ảnh: Twitter. |
Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trên nhiều mặt trận. Khu vực sông Mekong cũng là một mặt trận như thế.
Trung Quốc thể hiện rõ ý đồ cạnh tranh với Mỹ ở tiểu vùng sông Mekong
Khi Trung Quốc công bố vào đầu tháng 8/2021 một khoản tiền 6 triệu USD mới cho các dự án phát triển ở Myanmar, con số này không bõ bèn so với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cũng của Trung Quốc trị giá tới 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên đây có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi ở khu vực các nước Mekong, trong đó có Myanmar.
Quỹ trên dành cho các dự án trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Lan Thương (LMC) - đây là câu trả lời mang tính cạnh tranh của Trung Quốc dành cho Ủy hội Sông Mekong (MRC) được thành lập theo sáng kiến của phương Tây và nhận được tài trợ từ phương Tây.
Ra đời vào cuối thập niên 1950, MRC hiện làm việc trực tiếp với chính phủ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam nhằm cùng quản lý các nguồn nước chung và sự phát triển bền vững của con sông.
Trong khi đó, Lan Thương là tên tiếng Trung Quốc dùng để chỉ sông Mekong. LMC được thành lập vào tháng 11/2015 và kết nối Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, và Việt Nam - tất cả những nước nằm hai bên bờ sông Mekong tính từ thượng nguồn ở Tây Tạng (Trung Quốc) đến nơi sông đổ ra Biển Đông, trên một khoảng cách gần 5.000km.
Đáng lưu ý, LMC loại bỏ hẳn các nhà tài trợ truyền thống cho các quốc gia Mekong, đó là Nhật Bản và Mỹ.
Thế thượng phong của Trung Quốc và áp lực lên các nước hạ nguồn
Vào tháng 7/2016, chưa đầy một năm sau khi LMC ra đời, hai học giả phương Tây Carl Middleton và Jeremy Allouche viết rằng "các nước chung dòng sông Lan Thương-Mekong đang bước vào một kỷ nguyên mới của thủy chính trị... LDC đề xuất các chương trình về phát triển kinh tế và nguồn nước, và dự báo ngoại giao nước thông qua việc Trung Quốc kiểm soát thượng nguồn sông Mekong bằng các con đập".
Đây chính là mấu chốt của vấn đề: Trung Quốc kiểm soát dòng chảy của cả nước lẫn ngân quỹ. Các quốc gia thuộc vùng hạ nguồn Mekong ở vào thế khó trước các tham vọng và ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Có ít nhất 11 con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong trước khi dòng sông này chảy xuống phía nam và hình thành nên biên giới giữa Lào và Myanmar. Và Trung Quốc vẫn tiếp tục xây thêm nhiều đập nữa.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng hàng loạt đập trên sông Mekong vào đầu thập niên 1990, điều này đã làm dấy lên quan ngại từ phía các nước hạ nguồn là Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Họ lo ngại mực nước sẽ tăng giảm lớn trên dòng Mekong khi Trung Quốc đóng mở các cửa đập của họ.
Hãng tin Reuters cho hay vào ngày 12/2/2021, mực nước đã giảm xuống cực thấp ở hạ nguồn sông Mekong do ở thượng nguồn, Trung Quốc áp dụng các biện pháp đóng cửa đập để hạn chế lũ lụt trên đó. Hồi tháng 10/2020, Bắc Kinh đồng ý cung cấp dữ liệu quanh năm về các con đập và dòng chảy của sông nhưng những gì họ cung cấp cho tới nay là không đầy đủ, theo nhiều báo cáo.
Theo Reuters, mức độ dao động lớn ở dòng chảy gây ra bởi các con đập của Trung Quốc "ảnh hưởng đến sự di chuyển của cá, ngành nông nghiệp và hoạt động giao thông vận tải - nguồn sinh kế và thực phẩm cho gần 70 triệu người".
Mặc dù vậy, truyền thông chính thống ở Trung Quốc vẫn bày tỏ tức giận trước các ám chỉ cho rằng Trung Quốc đang hành động thiếu trách nhiệm. Hu Yumei - một cây bút của tờ Thời báo Hoàn cầu, viết vào ngày 10/5/2021 rằng "mối đe dọa từ các con đập của Trung Quốc" là dựa trên "bằng chứng yếu".
Ông này bác bỏ điều mà ông ta gọi là "các tuyên bố vô căn cứ" của những người bên ngoài. Ông viết rằng "hạn hán ở hạ nguồn chủ yếu là do mưa giảm và thời tiết cực đoan". Hu Yumei còn viết rằng Trung Quốc là "một hàng xóm thượng nguồn có trách nhiệm" đối với các nước ở hạ nguồn.
Tuy nhiên, những người khác thì lại nhìn thấy rằng Trung Quốc đang mở một cuộc chiến về nguồn nước với các quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn, và Bắc Kinh có thể sử dụng công cụ này để thúc đẩy chương trình nghị sự rộng lớn hơn cho toàn khu vực, bao gồm các dự án gây tranh cãi trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).
Nhà phân tích an ninh người Ấn Độ Brahma Chellaney tuyên bố rằng Bắc Kinh đang sử dụng dòng Mekong làm "vũ khí" để củng cố sức mạnh của mình ở khu vực hạ nguồn.
Trung Quốc xây rất nhiều đập trên dòng Lan Thương (vùng thượng nguồn sông Mekong), tính đến thời điểm tháng 11/2019. Đồ họa: Trung tâm Stimson. |
Đối sách của Mỹ
Tổ chức phi chính phủ "International Rivers" có trụ sở ở Thái Lan, có tuyên bố rằng thế cạnh tranh giữa MRC và LMC đã khiến tương lai của Mekong trở nên "chính trị hóa hơn và phân cực hơn".
Thực sự, địa chính trị của khu vực Mekong đang gia tăng mạnh như một chiến trường mới của cuộc đối đầu địa chiến lược đang gia tăng giữa một bên là Trung Quốc với một bên là Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong vùng này.
Hôm 6/8/2021, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với một số nước như Campuchia, Lào, Myanmar, và Thái Lan... nhằm thảo luận các dự án mà giới phân tích coi là đi ngược lại sự phát triển trên con sông dài Mekong.
Ngoại trưởng Moteghi cam kết ủng hộ y tế cho khu vực sông Mekong bên cạnh khoảng 5,6 triệu liều vaccine Covid-19 và thiết bị y tế trị giá 68 triệu USD, trong đó có máy tạo oxy do Nhật Bản cung cấp.
Vào năm 2020, 4 năm sau khi Trung Quốc thiết lập LMC, Washington đã tạo ra Đối tác Mekong-Mỹ để mở rộng công việc của Sáng kiến Mekong vùng Hạ nguồn (LMI) - diễn đàn được thành lập vào năm 2009 để ứng phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở cuối sông và sâu vào khu vực Đông Nam Á.
Quan hệ đối tác trên khẳng định đã "cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn người ở sông Mekong", và vào năm 2020 đã mở rộng hợp tác và các chương trình của mình để xử lý "các thách thức mới nổi" liên quan đến kết nối kinh tế, quản lý nguồn nước và tài nguyên xuyên biên giới, cùng vấn đề an ninh phi truyền thống, bao gồm các vấn đề liên quan đến an ninh sức khỏe, phản ứng trước đại dịch, và an ninh mạng - một loạt vấn đề được xem là dính đến Trung Quốc nhưng lại không trực tiếp đề cập đích danh nước này.
Vào ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đăng cai hội nghị bộ trưởng thứ 2 về quan hệ đối tác trên - đây cũng là hội nghị đầu tiên loại này dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xây dựng liên minh ứng phó với Trung Quốc.
Truyền thông hôm 12/8 trích dẫn lời Brian Eyler thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson nói rằng "việc Mỹ nhấn mạnh đến tính minh bạch và tính bao trùm như một phần của quan hệ đối tác Mekong-Mỹ đang thúc đẩy các kết quả tích cực ở khu vực Mekong và thu hẹp khoảng trống trách nhiệm của Trung Quốc ở sân sau của nước này".
Sự can dự của Washington vào vùng Mekong không phải là điều mới. MRC thực sự là di sản của cuộc cạnh tranh thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Nhưng MRC (được thành lập vào năm 1957) đã có những suy yếu nhất định nên Mỹ mới đưa ra các sáng kiến mới.
Trung Quốc chưa bao giờ tham gia MRC vì lúc đó MRC được thành lập trong khuôn khổ một chiến lược rộng lớn hơn để thống nhất các lực lượng thân phương Tây ở Thái Lan, Lào, Campuchia, và miền Nam Việt Nam khi ấy.
Nhưng các sáng kiến mới của Mỹ bị giới hạn bởi bối cảnh địa chính trị mới.
Ngoại trưởng Mỹ khóa trước, Mike Pompeo, tố các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc, về tình trạng "khai thác" sông Mekong. Chính quyền Mỹ hiện tại của ông Joe Biden cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác Mekong-Mỹ, thể hiện ở chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua của Phó Tổng thống Kamala Harris./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin