Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và lời "cầu cứu" từ châu Phi

06:09, 25/09/2021

Đại dịch COVID-19 đã trở thành một trong những chủ đề nóng của các cuộc thảo luận tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 đang diễn ra tại Mỹ.

Đại dịch COVID-19 đã trở thành một trong những chủ đề nóng của các cuộc thảo luận tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 đang diễn ra tại Mỹ.

Đây được xem như một công cụ dự báo và một hồi chuông cảnh tỉnh cho những vấn đề cấp bách mà thế giới đang phải đối mặt.

Từ sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine, thảm họa kinh tế, thông tin sai lệch về khoa học đến sự cộ lập xã hội, đại dịch COVID-19 đã trở thành một thảm họa toàn cầu, đòi hỏi trách nhiệm của mỗi quốc gia hơn lúc nào hết.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã sử dụng bài phát biểu đầu tiên của mình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc để trấn an thế giới rằng, Mỹ đang quay trở lại vai trò dẫn dẫn thế giới đi tới hòa bình và thịnh vượng, cùng những cam kết mạnh mẽ về chia sẻ nguồn lực vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới.

Các nhà lãnh đạo thế giới đều thừa nhận tình trạng phân phối vaccine không công bằng đang làm lung lay chiến thắng của các nỗ lực phát triển vaccine thần tốc (Ảnh: Reuters).
Các nhà lãnh đạo thế giới đều thừa nhận tình trạng phân phối vaccine không công bằng đang làm lung lay chiến thắng của các nỗ lực phát triển vaccine thần tốc (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, nghị trường Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ thực sự nóng khi lãnh đạo các quốc gia châu Phi phát biểu.

Đây cũng là chính là châu lục dường như đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống COVID-19, khi tại nhiều quốc gia người dân thậm chí vẫn chưa nhận được mũi tiêm vaccine đầu tiên.

Theo Tổng thống Nam Phi - Cyril Ramaphosa nếu như một số quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số của họ và đang trên đà phục hồi trở lại, thì ở những nước nghèo, việc thiếu vaccine và hệ thống y tế yếu kém đặt ra vấn đề nghiêm trọng.

Tổng thống Nam Phi - Cyril Ramaphosa cho rằng: “Đây là một cáo trạng đối với nhân loại rằng hơn 82% liều vaccine trên thế giới đã được các nước giàu có mua trong khi chưa đến 1% được chuyển đến các nước thu nhập thấp.

Nếu không giải quyết vấn đề này như một vấn đề cấp bách, thì đại dịch sẽ còn kéo dà. Các đột biến mới nguy hiểm hơn của virú sẽ xuất hiện và lây lan”.

Các nhà lãnh đạo thế giới đều thừa nhận tình trạng phân phối vaccine không công bằng đang làm lung lay chiến thắng của các nỗ lực phát triển vaccine thần tốc.

Cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã bỏ lỡ gần như tất cả các mục tiêu chia sẻ vaccine của mình và đã phải hạ mục tiêu từ cung cấp 2 tỷ liều trên toàn thế giới vào cuối năm nay xuống còn 1 tỷ 400 triệu liều.

Tuy nhiên theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngay cả mục tiêu trên cũng có nguy cơ bị bỏ lỡ, khi tới nay mới chỉ có 15% trong tổng số liều vaccine đã cam kết được chuyển giao: “Một mặt, chúng ta được thấy vaccine được phát triển trong thời gian kỷ lục, một chiến thắng của khoa học và tài năng của con người.

Nhưng mặt khác, chúng ta lại phải chứng kiến chiến thắng đó bị che mờ bởi sự thiếu ý chí chính trị, ích kỷ và không tin tưởng. Trong khi phần lớn những người giàu có trên thế giới đã tiêm vaccine, hơn 90 % người châu Phi vẫn đang chờ đợi những liều vaccine đầu tiên. Chúng ta đã vượt qua bài kiểm tra khoa học, nhưng lại thất bại về đạo đức”./.

Theo Thu Hoài/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh