Chuyên gia quốc tế: Luật hàng hải của Trung Quốc mơ hồ, tính hợp pháp rất hạn chế

11:09, 16/09/2021

Truyền thông và các chuyên gia quốc tế đã sử dụng các cụm từ "mơ hồ", "làm luật", sai trái"... để nói về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc.

 

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Truyền thông và các chuyên gia quốc tế đã sử dụng các cụm từ “mơ hồ”, “làm luật”, sai trái”... để nói về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn nói rằng họ đảm bảo quyền tiếp cận tự do và cởi mở đối với các tuyến đường vận tải trên Biển Đông. Bắc Kinh còn tuyên bố sẽ không bao giờ quân sự hóa khu vực này. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

Các bức ảnh vệ tinh chụp trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6/2021 cho thấy máy bay tuần tra chống ngầm Y-8Q và KQ-200, radar KJ-500 cùng với trực thăng chống ngầm và trực thăng chở quân đã hiện diện thường trực tại các tiền đồn trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Đá Subi và Đá Vành Khăn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các tàu khu trục và khinh hạm của Trung Quốc ở khu vực này.

Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu và tàu chiến tại Đá Subi cho thấy Trung Quốc có thể sắp thực hiện những bước gây hấn mới hòng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của mình.

Mới đây Trung Quốc đã thi hành Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, theo đó có những yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là "vùng lãnh hải của Trung Quốc".

Cụ thể, theo Cơ quan An toàn hàng hải (MSA), quy định mới yêu cầu tàu nước ngoài vào "vùng lãnh hải" Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc.

Yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm/lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác được coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ, sẽ chẳng có nước nào tiết lộ cho Trung Quốc biết tàu ngầm của họ đang ở đâu hoặc chúng chạy bằng năng lượng hạt nhân hay được trang bị vũ khí hạt nhân.

Không một ai tin rằng Bắc Kinh có quyền buộc người khác phải cung cấp những thông tin kiểu như vậy và chắc chắn cũng không có ai đồng ý với cái cách Trung Quốc định nghĩa về lãnh hải của họ.

Căng thẳng dưới mặt biển

Hồi đầu năm nay, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp đã tiến hành cuộc tuần tra qua Biển Đông.

"Cuộc tuần tra đặc biệt này chỉ vừa hoàn tất. Đây là bằng chứng nổi bật cho thấy năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài cùng các đối tác chiến lược của chúng tôi như Australia, Mỹ và Nhật Bản" – Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly viết trên Twitter hôm 8/2, đăng kèm bức ảnh cho thấy hai con tàu trên biển.

"Tại sao chúng tôi lại thực hiện sứ mệnh như vậy? Đó là để làm giàu kiến thức của chúng tôi về khu vực này và khẳng định rằng luật pháp quốc tế là nguyên tắc hợp lệ duy nhất ở bất cứ vùng biển nào chúng tôi đi qua", Bộ trưởng Parly khẳng định.

Sau đó, Mỹ cũng đã điều cả 3 tàu ngầm tiên tiến nhất của nước này – do USS Seawolf dẫn đầu – tiến vào Thái Bình Dương.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân HMS Artful của Vương quốc Anh cách đây vài tuần cũng đã hoạt động ở đâu đó trong khu vực, làm nhiệm vụ hỗ trợ việc di chuyển của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.

Australia, Nhật Bản, Indonesia, Singapore... là những nước có tàu ngầm diesel-điện vận hành trong khu vực. Trong khi hải quân một số nước công khai thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc bằng cách cho tàu đi vào vùng 12 hải lý quanh các thực thế bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, một số nước khác có thể vẫn đang âm thầm làm điều tương tự.

Tác chiến chống ngầm là một trong những yếu tố quan trọng trong các hoạt động của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông những tháng gần đây. Máy bay giám sát của cả hai bên thường xuyên tiến hành các chuyến bay tuần tra trong khu vực. Nhưng những hoạt động đó dường như chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Nguy cơ tiềm ẩn khi Trung Quốc tự ý làm luật cho khu vực

Ngày 1/9, Trung Quốc chính thức áp dụng Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi. Động thái bị cộng đồng quốc tế và các chuyên gia kịch liệt lên án, khi Trung Quốc cố tình gây sự mập mờ về giải thích khái niệm "lãnh hải", mục đích là để rộng đường thực hiện hành vi sai trái nhằm hiện thực hóa mưu đồ “nuốt” trọn Biển Đông. Điều 117 luật này có giải thích các thuật ngữ, nhưng lại bỏ ngỏ khái niệm quan trọng trên.

Truyền thông và các chuyên gia quốc tế đã sử dụng các cụm từ “mơ hồ”, “làm luật”, sai trái”... để nói về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc. Câu chữ trong Luật phải rõ ràng, cụ thể nhưng Trung Quốc lại cố tình cài cắm ý đồ khác đằng sau chữ nghĩa.

“Sự mơ hồ như vậy có thể là có chủ ý”, nhà nghiên cứu luật quốc tế Aristyo Rizka Darmawan của Đại học Indonesia trong bài viết cho Viện Lowy nhận định.

Càng mơ hồ thì càng dễ biện minh và dễ áp dụng theo ý chủ quan. Nghĩa là Trung Quốc muốn tự cho họ quyền tùy ý hành động, đem luật quốc gia áp lên luật quốc tế.

Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi được thiết kế để củng cố quan điểm của Trung Quốc về “lãnh hải” và được dự báo làm tăng nguy cơ bất ổn trong khu vực bởi Trung Quốc định nghĩa về vùng lãnh hải rất rộng, không hoàn toàn là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp đường cơ sở được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Năm 2016, phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển bao phủ 80% diện tích Biển Đông.

“Vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ tìm cách thực thi các quy định trong luật mới của họ ở đâu và phần còn lại của cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng ra sao. Điều quan trọng nhất là Trung Quốc phải đảm bảo quyền ‘qua lại vô hại’ và không gây thêm căng thẳng ở khu vực Biển Đông”, ông Darmawan nói.

Nhà nghiên cứu Manoj Joshi, chuyên gia về chính trị quốc tế tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF), Ấn Độ trong bài viết trên The Wire cho rằng: “Về bản chất, tính hợp pháp của Trung Quốc trong việc sử dụng các quy định mới nhất để thực thi các yêu sách mở rộng của họ là rất hạn chế.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ không cố để làm như vậy. Nhưng cho dù Bắc Kinh có muốn hay không thì phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế là một yếu tố cản trở tham vọng củng cố quyền lực của họ đối với khu vực.

Các vấn đề liên quan đến luật mới của Trung Quốc được sử dụng như là một thứ gây ra sự khó chịu hơn là phương tiện hữu ích để mở rộng sự kiểm soát của nước này”./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh