Hơn một năm rưỡi trải qua đại dịch Covid-19, câu hỏi mà nhiều người chúng ta vẫn còn băn khoăn là: Làm thế nào biết được đâu là thời điểm an toàn để hoàn toàn quay lại cuộc sống bình thường?
Hơn một năm rưỡi trải qua đại dịch Covid-19, câu hỏi mà nhiều người chúng ta vẫn còn băn khoăn là: Làm thế nào biết được đâu là thời điểm an toàn để hoàn toàn quay lại cuộc sống bình thường?
Trang Business Insider đã phỏng vấn 4 chuyên gia y tế công cộng để xác định những điều kiện mà các chuyên gia này cho là cần có để quay lại cuộc sống bình thường mà không cần lo ngại điều gì. Họ sẽ quyết định thời điểm để nối lại các hoạt động như đi lại quốc tế, tham gia các bữa tiệc hoặc dự các cuộc họp như thế nào?
Một cặp đôi chụp hình selfie khi Quảng trường Madison mở lại buổi hòa nhạc với toàn bộ sức chứa ở Thành phố New York ngày 20/6/2021. Ảnh: Getty |
Các chuyên gia trên đều cho rằng, những hoạt động trên có lẽ sẽ chưa xảy ra cho tới ít nhất là năm sau và điều đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu có một biến thể mới xuất hiện có thể áp đảo biến thể Delta hay không. Các tiêu chí mà các chuyên gia này sử dụng để đưa ra quyết định cũng rất khác nhau.
Tại Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, cuộc sống bình thường sẽ quay trở lại khi ít nhất 80% dân số được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, những chuyên gia khác cho rằng, cuộc sống bình thường chỉ có thể nối lại cho tới khi các bệnh viện không bị quá tải hoặc tỷ lệ mắc Covid-19 tại địa phương dưới 10 ca/100.000 người/ngày.
Một số chuyên gia không hoàn toàn phụ thuộc vào các dữ liệu nữa. Thay vào đó, họ tập trung vào việc nghe ngóng xem liệu người thân hoặc gia đình của họ gần đây có thường xuyên phơi nhiễm trước virus hay không như một dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 có đang phổ biến trong cộng đồng không.
Tỷ lệ tiêm vaccine
Trước khi biến thể Delta trở nên áp đảo, Chris Beyrer hy vọng sẽ nối lại hoạt động nghiên cứu về bệnh HIV ở Thái Lan hoặc Nam Phi vào mùa thu này. Beyrer, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết ông đang chờ các quốc gia trên có tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn trước khi đến đây.
"Việc đi lại quốc tế tới những nơi mà mức độ tiếp cận vaccine vẫn còn thấp là điều sai lầm", chuyên gia này cho hay, đồng thời nhận định: "Nếu may mắn, chúng ta có thể nối lại hoạt động này vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo tôi, cho tới khoảng giữa năm 2023 sẽ thực tế hơn".
Beyrer ước tính, các quốc gia cần đạt tỷ lệ tiêm vaccine trên 80%, có lẽ là khoảng 85% hoặc 90% để chấm dứt sự lây nhiễm của biến thể Delta. Theo chuyên gia này, việc đạt được con số trên là điều khả thi ở Mỹ nhưng vẫn cần phải kiên nhẫn bởi hiện chỉ có 55% người dân Mỹ được tiêm vaccine đầy đủ.
"Tôi hy vọng chúng ta sẽ bắt đầu đạt được tiến triển khi thực hiện nhiều biện pháp bắt buộc hơn và có độ phủ vaccine cao hơn, cũng như thông qua vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn. Cho tới lúc đó, hiện giờ chúng ta vẫn phải thận trọng", ông Beyrer cho hay.
Số ca mắc hàng ngày trong cộng đồng ở mức thấp
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ gần đây đã nhận định với Axios rằng, để virus SARS-CoV-2 không còn là mối đe dọa y tế công cộng thì Mỹ phải giảm số ca mắc hàng ngày xuống còn dưới 10.000 ca. Hiện nay, số ca mắc Covid-19 hàng ngày của Mỹ là khoảng 140.000 ca.
Tuy nhiên, Cindy Prins, một chuyên gia về bệnh truyền nhiềm tại Đại học Florida, thay vì quan tâm đến số ca mắc trên toàn quốc thì chú ý nhiều hơn đến tỷ lệ mắc bệnh tại địa phương của bà để quyết định khi nào sẽ quay lại ăn uống trong các nhà hàng và các phòng tập thể hình.
"Tôi sẽ quyết định điều đó có lẽ đến khi chỉ ghi nhận 10 ca mắc/100.000 người", Prins nói, đồng thời cho biết: "Khả năng bạn gặp ai đó mắc Covid-19 vào thời điểm đó sẽ trở nên thấp hơn nhiều nên tôi cảm thấy đây sẽ tỷ lệ phù hợp".
Hạt Alachua, bang Florida, nơi bà Prins sinh sống, hiện ghi nhận khoảng 360 ca mắc Covid-19/100.000 dân.
Giống như ông Beyrer, bà Prins nhận định, tỷ lệ tiêm vaccine ở khoảng 85% sẽ giúp cộng đồng giảm đáng kể sự lây nhiễm. Tuy nhiên, bà cũng thận trọng cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine có lẽ "không phản ánh bức tranh toàn cảnh" bởi nhiều người đã đạt được miễn dịch sau khi mắc bệnh. Triển vọng của mũi vacicne tăng cường cũng không làm thay đổi nhiều sự cảm nhận về mức độ an toàn của bà.
"Mũi tiêm thứ ba rất tốt nhưng tôi không nghĩ mũi tiêm thứ ba sẽ đưa tôi quay lại các hoạt động ngay lập tức khi mà tôi cân nhắc đến những rủi ro", bà Prins cho hay.
Bệnh viện không bị quá tải
Piltch-Loeb, học giả tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, vẫn tránh tham gia các buổi hòa nhạc trong nhà và các sân vận động không yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine, cũng như các địa điểm công cộng không áp dụng đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Để quay lại các hoạt động này, cô cho rằng, cô cần cảm thấy tự tin rằng sẽ luôn có nhiều giường bệnh sẵn có tại nơi mà cô sinh sống.
Chuyên gia Piltch-Loeb đánh giá, điều này sẽ xảy ra khi có nhiều người trong khu vực của cô đã tiêm vaccine.
"Tôi đang cố gắng không quá quan tâm đến số ca mắc mà tập trung hơn vào tỷ lệ tiêm vaccine và khả năng của hệ thống y tế trước những ca bệnh nặng tại khu vực mà tôi sinh sống", Piltch-Loeb cho hay.
Piltch-Loeb cho biết, khẩu trang sẽ trở thành một phần trong "cuộc sống bình thường mới" của cô khi lên máy bay hay tới các cơ sở y tế.
"Sẽ có những điều bình thường mới với tất cả mọi người và tôi đang chờ đợi tương lai này vào năm 2022", chuyên gia này đánh giá.
Trẻ em cũng được tiêm vaccine
Dữ liệu có thể vẫn còn thiếu sót. Đó là theo quan điểm của Ellen Eaton.
"Tại những bang miền nam nước Mỹ, bảng điều khiến dữ liệu sẽ không được cập nhật chính xác vì những lý do chính trị và văn hóa", Ellen Eaton, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama tại Birmingham nhận định với Insider.
Chuyên gia này cũng cho biết: "Rất nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi không thực sư theo dõi những dữ liệu này bởi chúng tôi không cho rằng chúng được cập nhật thường xuyên, cũng như chất lượng của dữ liệu không chính xác như giai đoạn đầu đại dịch".
Eaton cũng không tập trung nhiều vào tỷ lệ tiêm vacine. Virus SARS-CoV-2 không quan tâm đến ranh giới địa lý nên theo bà, tỷ lệ dân số đủ điều kiện đã được tiêm vaccine có sự khác biệt lớn giữa các hạt của Mỹ.
Thay vào đó, chuyên gia này chờ đợi tới khi những đứa con của bà được tiêm vaccine thì mới cân nhắc đến việc tổ chức tiệc trong nhà cùng bạn bè hay cho phép con cái tới nhà thờ.
Thậm chí sau khi con cái của bà được tiêm vaccine, Eaton cho biết bà có lẽ sẽ trì hoãn các hoạt động trên cho tới khi có ít ca mắc Covid-19 hơn trong cộng đồng của mình.
"Khi nào chúng tôi thấy có ít bạn bè của mình mắc Covid-19 hơn trong những sự kiện tương tự hay có ít học sinh mắc Covid-19 hơn thì chúng tôi mới bắt đầu mở rộng 'bong bóng đi lại" của mình", chuyên gia này nhận định./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin