"Chìa khóa" giúp Singapore chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19

10:09, 15/09/2021

Cách ly các ca mắc Covid-19 tại bệnh viện hoặc các cơ sở tập trung từng là nền tảng cho thành công của Singapore. Tuy nhiên, với hơn 80% dân số đã được tiêm chủng hiện nay, Singapore phải chuyển hướng vì việc cách ly tại các cơ sở tập trung sẽ tạo ra gánh nặng quá mức cho hệ thống y tế.

 

Singapore đang từng bước chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19. Ảnh: AFP
Singapore đang từng bước chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19. Ảnh: AFP

Cách ly các ca mắc Covid-19 tại bệnh viện hoặc các cơ sở tập trung từng là nền tảng cho thành công của Singapore. Tuy nhiên, với hơn 80% dân số đã được tiêm chủng hiện nay, Singapore phải chuyển hướng vì việc cách ly tại các cơ sở tập trung sẽ tạo ra gánh nặng quá mức cho hệ thống y tế.

Kể từ 15/9, những người trẻ tuổi được tiêm chủng đầy đủ, không có bệnh lý nền sẽ tự điều trị tại nhà thay vì đến bệnh viện. Quyết định này được đưa ra sau khi chương trình thử nghiệm cho thấy kết quả đáng khích lệ và cũng là một bước quan trọng trong quá trình hướng tới sống chung với dịch bệnh Covid-19 tại Singapore.

Theo Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, việc điều trị tại nhà sẽ được mở rộng dần cho nhóm người từ 50 tuổi trở xuống không có bệnh nền đáng kể. Nhóm này hiện chiếm khoảng một nửa số ca mắc Covid-19 hiện nay tại Singapore.

Singapore bước sang giai đoạn mới trong đại dịch Covid-19

Trên thực tế, Singapore đã bước sang một giai đoạn mới trong đại dịch Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong của các ca mắc Covid-19 sau khi đã tiêm vaccine (ca lây nhiễm đột phá), ngay cả khi biến thể Delta đang hoành hành tại Singapore.

Dữ liệu của Bộ Y tế Singapore về các trường hợp mới ghi nhận cho thấy cứ 1.000 ca lây nhiễm đột phá, chỉ có 7 ca bệnh nặng cần bổ sung oxy và không có ca nào tử vong.

Ở giai đoạn đỉnh điểm cách đây một tháng, con số tương ứng là 11 trường hợp, còn trong đợt lây nhiễm trong cộng đồng lớn đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4/2020 là 32 trường hợp.

Theo Trung tâm quốc gia về dịch bệnh truyền nhiễm Singapore, hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 hiện nay đều là các ca nhẹ hoặc không có triệu chứng, tải lượng virus giảm nhanh hơn nhiều so với các ca mắc ở những người không được tiêm chủng. Đây cũng là lý do các bệnh viện cho phép bệnh nhân xuất viện sớm hơn nếu không phát hiện được tải lượng virus trong cơ thể người bệnh.

Ngoài ra, Singapore đã mở rộng và tăng cường xét nghiệm, coi đây là điều bắt buộc thường xuyên đối với những người lao động trở lại nơi làm việc. Các hộ gia đình cũng được phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được khuyến khích thường xuyên tự xét nghiệm tại nhà.

Cách tiếp cận từng bước cho giai đoạn mới

Tuy nhiên, để đối phó với làn sóng lây nhiễm sắp tới, Singapore cần một cách tiếp cận mới để phân tách việc điều trị các trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng với những trường hợp nặng.

Theo đó, Singapore tập trung các nguồn lực chăm sóc chuyên sâu để điều trị cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng vì Covid-19 nhiều nhất, nhất là nhóm người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19, bởi diễn biến bệnh của những người thuộc nhóm này thường xấu hơn nhiều so với những người đã tiêm.

Số liệu gần đây của Bộ Y tế Singapore cho thấy, cứ 1.000 ca mắc Covid-19 (ở nhóm chưa tiêm vaccine), có 45 ca cần bổ sung oxy và 8 ca cần điều trị tích cực (ICU) hoặc tử vong.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore cho tới nay vẫn hoạt động tốt. Mặc dù số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng cao kỷ lục, nhưng số lượng hiện tại cần chăm sóc đặc biệt ở mức thấp hơn nhiều so với 1.000 giường ICU có sẵn và dự phòng của Singapore.

Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 tại Singapore đang gia tăng. Nếu tất cả các ca mắc mới đều được cách ly, điều trị tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên dụng, thì vào thời điểm Singapore đạt mức 2.000 ca mới/ngày như kịch bản Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cảnh báo, khi đó, hàng chục nghìn giường bệnh có thể không còn chỗ trống.

Theo ông Alex R. Cook, phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học quốc gia Singapore, việc giúp các cơ sở y tế tránh tình trạng quá tải cũng xuất phát từ trách nhiệm xã hội của mỗi người dân. Ông cho rằng, từ góc độ cá nhân, nếu đã tiêm vaccine và chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; những người trong gia đình cũng được tiêm vaccine, thì việc chuyển đến cơ sở cách ly là không cần thiết.

Có thể cần mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần bảo vệ nhóm người cao tuổi ở Singapore bằng mũi tăng cường để đề phòng nguy cơ hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 suy giảm theo thời gian, cũng như nguy cơ mắc bệnh nặng và khả năng phải nhập viện.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn về khả năng bảo vệ của mũi tiêm tăng cường, thời gian hiệu quả là bao lâu, hay có cần thiết phải tiêm cho toàn bộ dân số hay không, mặc dù một số nước đã bắt đầu chương trình tiêm mũi tăng cường.

Mặt khác, chính sách tiêm mũi bổ sung này sẽ không thể thực hiện nếu những người cao tuổi chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Cứ 100 trường hợp chưa được tiêm chủng (ở mọi độ tuổi nói chung), có khoảng 1 trường hợp tử vong hoặc cần điều trị ICU. Tuy nhiên, những trường hợp tử vong lại không trải đều ở tất cả những nhóm tuổi mà thường tập trung ở những trường hợp cao tuổi nhất.

Như vậy, việc đạt được tỷ lệ tiêm chủng càng cao càng tốt ở nhóm người cao tuổi vẫn phải là một trong những yếu tố quan trọng khi chuyển sang giai đoạn mới.

Sống chung với Covid cần ý thức của người dân

Cách ly các trường hợp mắc Covid-19 tại bệnh viện hoặc các cơ sở tập trung đã từng là nền tảng cho thành công của Singapore đến nay.

Trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 trước đây, các chuyên gia cho rằng, mô hình này của Singapore rất đáng học hỏi nhằm hạn chế sự gia tăng số ca mắc Covid-19, đồng thời dành thời gian cho việc tiêm chủng. Thực tế tại châu Âu và Mỹ cho thấy tình trạng lây lan dịch bệnh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nếu việc tự điều trị tại nhà được thực hiện quá sớm.

Tuy nhiên, với hơn 80% dân số đã được tiêm chủng hiện nay, Singapore phải chuyển hướng vì việc cách ly tại các cơ sở tập trung sẽ tạo ra gánh nặng quá mức cho hệ thống y tế.

“Kinh nghiệm gần đây về áp dụng Cảnh báo tăng cường giai đoạn 2 cho thấy, số ca mắc Covid-19 sẽ giảm xuống nếu các biện pháp hạn chế được siết chặt, nhưng cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Về mặt kinh tế, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp và về mặt xã hội, nó ảnh hưởng đến một quốc gia đang mệt mỏi vì đại dịch và muốn trở lại cuộc sống bình thường”, theo phó giáo sư Alex Cook tại trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock.

Để tránh phải kéo dài những hạn chế nghiêm ngặt, ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo cần sự nghiêm túc của người dân trong việc tự xét nghiệm, cách ly và điều trị tại nhà./.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh