Quá trình mở cửa ở Anh, Israel và Singapore – những quốc gia có độ phủ vaccine cao, đã cho thế giới những bài học gì để "sống chung với Covid-19" và sớm quay lại cuộc sống bình thường?
Hàng trăm người chờ tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng ở Sydney, Australia. Ảnh: CNN |
Quá trình mở cửa ở Anh, Israel và Singapore – những quốc gia có độ phủ vaccine cao, đã cho thế giới những bài học gì để “sống chung với Covid-19” và sớm quay lại cuộc sống bình thường?
Chỉ tiêm vaccine là chưa đủ
Ngày Tự do (Freedom Day) của Anh đã bắt đầu vào giữa tháng 7 khi Thủ tướng Boris Johnson chấm dứt gần như tất cả biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa Covid-19 và chuyển trách nhiệm trong việc phòng tránh sự lây nhiễm từ chính phủ sang từng cá nhân.
Việc hạn chế tối đa số ca mắc không phải là mục tiêu của nước này. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã thừa nhận, quyết định trên có thể khiến số ca mắc tăng lên trên 100.000 ca/ngày, thậm chí vượt qua số ca mắc trong tháng 12/2020.
"Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là số ca nhập viện và số ca tử vong", Bộ trưởng Y tế Anh cho hay.
Số ca mắc ở Anh vẫn tăng ổn định với hàng chục nghìn người mắc bệnh mỗi ngày và hàng trăm ca tử vong mỗi tuần nhưng số ca nhập viện ở khoảng 20% so với thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 1.
Nước Anh đang tiếp cận với đại dịch theo hướng mà nhiều chuyên gia hiện xem là một mục tiêu: coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu. Khi virus gây nên dịch Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, sẽ có nhiều ca mắc nhưng những ca bệnh nặng trở nên ít hơn.
Tuy nhiên, đối với những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, nếu mở cửa như Anh hay Israel, sẽ có nhiều người tử vong vì Covid-19.
Paul Hunter, nhà vi sinh học và là giáo sư tại Đại học East Anglia, Anh nhận định: "Vấn đề với Australia và New Zealand là nếu tiến đến mục tiêu đó mà không tiêm vaccine thì sẽ có nhiều người sẽ tử vong".
Tại Anh, hơn 78% dân số từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm 2 mũi vaccine, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở Australia là 36%.
Israel từng là một câu chuyện thành công với hy vọng việc tiêm vaccine có thể là lối thoát để vượt qua đại dịch. Chiến dịch tiêm chủng diện rộng ở nước này bắt đầu vào tháng 12/2020. Vào tháng 4/2021, Israel đã tuyên bố chiến thắng đại dịch Covid-19. Hơn một nửa dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và ghi nhận ngày đầu tiên không có ca tử vong nào trong gần 1 năm. Các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, việc đi lại quốc tế được nối lại và thậm chí Hộ chiếu Xanh - hộ chiếu vaccine cũng không còn cần thiết.
"Trong suốt giai đoạn từ tháng 4 - tháng 7, đã có sự nhận thức sai lầm rằng Covid-19 kết thúc", Nadav Davidovitch, một thành viên thuộc ủy ban quốc gia về dịch Covid-19 của Israel và là giám đốc Trường Y tế Cộng đồng tại Đại học Ben-Gurion nhận định. Sau một vài tháng, hướng tiếp cận tiêm vaccine vẫn hiệu quả, và "cảm giác cấp bách đã biến mất".
Tuy nhiên, vào tháng 7, biến thể Delta đã lây lan trong cộng đồng. Tháng 8/2021, Israel ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Thậm chí với tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao, mức độ miễn dịch ở Israel đã bắt đầu giảm dần.
Câu chuyện về Israel có thể khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, nhưng nó cũng cho thấy một quốc gia với tỷ lệ tiêm vaccine tương đối cao có thể làm gì khi số ca mắc tăng cao mà không cần phong tỏa. Trong những tuần qua, nhiều khuyến cáo của nhóm chuyên gia cố vấn về dịch Covid-19 ở Israel đã được chấp nhận và tỷ lệ nhân lên của virus bắt đầu giảm.
Chiến dịch tiêm vaccine chủ động và việc hướng đến những nhóm dân số chưa được tiêm vaccine, trong đó có những người từ 12 - 20 tuổi, được nối lại ở Israel. Hộ chiếu Xanh cũng sẽ quay trở lại. Việc xét nghiệm diện rộng, cùng với việc tăng cường kit xét nghiệm tại nhà sẽ giúp trẻ em quay lại trường học vào tháng này.
Đối với vấn đề suy giảm miễn dịch, mũi vaccine Pfizer thứ ba đã được đề xuất áp dụng với những người trên 30 tuổi nhằm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ những người này trước các triệu chứng nghiêm trọng ở Israel.
Bài học kinh nghiệm từ Israel cho thấy chỉ tiêm vaccine là chưa đủ để đối phó với đại dịch. "Lá chắn phòng thủ" trước Covid-19 cần thêm cả những vũ khí khác như: khẩu trang, xét nghiệm hàng loạt có mục tiêu, hạn chế tụ tập đông người và hộ chiếu vaccine.
Mở cửa thận trọng theo từng bước
Singapore, mặc dù trải qua một khoảng thời gian Không Covid (Zero Covid) nhưng giới lãnh đạo nước này đã cảnh báo người dân rằng, việc duy trì mục tiêu trên là bất khả thi, đồng thời nỗ lực hướng tới mục tiêu đưa Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu. Singapore hiện ghi nhận khoảng 100 ca/ngày.
Giáo sư Teo Yik Ying, người đứng đầu Trường Y tế Cộng đồng Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Singapore hiện đang trải qua một thí nghiệm tự nhiên xem liệu tỷ lệ tiêm vaccine cao có thể giảm gánh nặng lên hệ thống y tế trong ngưỡng có thể chịu được hay không. Khoảng 78% dân số Singapore, bao gồm cả trẻ em, đã được tiêm vaccine đầy đủ, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, tăng cường xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc đã kiểm soát được số ca mắc, đồng thời Singapore cũng đặt ra những quy định khác nhau với những người đã tiêm vaccine và chưa tiêm vaccine.
Cuộc sống ở Singapore không hẳn là hoàn toàn trở về bình thường. Gần đây mọi người mới quay lại văn phòng làm việc với 50% lực lượng lao động được phép quay lại vào một thời điểm. Việc ăn uống ở nhà hàng cũng giới hạn trong nhóm 5 người nếu tất cả đều tiêm vaccine. Nếu không, số người sẽ giảm xuống còn 2 và phải ở không gian ngoài trời. Singapore cũng áp dụng hệ thống cách ly theo từng cấp bậc với việc đi lại quốc tế khi việc tự do đi lại chỉ được áp dụng khi đi và đến Đức, Brunei.
Giáo sư Teo Yik Ying gọi hướng tiếp cận này là thận trọng và khôn ngoan. Chính phủ đã thực hiện từng bước đi và theo dõi sát sao kết quả.
Chuyên gia này nhận định: "Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ chung là 80%, chúng ta có lẽ nhận ra rằng chúng ta đạt tỷ lệ 80% trong khi tiêm vaccine cho những người trẻ và khỏe nhưng với những người dễ tổn thương, chúng ta chỉ đạt được 50 - 60%. Nếu mở cửa trong điều kiện này, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều ca nhập viện và tử vong".
Thậm chí, nếu có thể tiêm vaccine cho tất cả trẻ em và đạt được từ 90% trở lên độ phủ vaccine thì những người chưa được tiêm vaccine vẫn là những đối tượng "vô cùng dễ tổn thương" trước biến thể Delta.
Anh đẩy mạnh việc mở cửa. Israel cũng mở cửa và sau đó phải dừng việc này lại. Singapore mở cửa từng bước với thái độ vô cùng thận trọng.
Rõ ràng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không thể quay trở lại cuộc sống bình thường nếu không có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Tuy nhiên, mặc dù tiêm vaccine là một chiến lược quan trọng và cần thiết nhưng chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ. Một loạt các biện pháp y tế công cộng khác như đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc, xét nghiệm và hộ chiếu vaccine đều cần được áp dụng.
Đối với trường hợp của Australia, các chuyên gia cho rằng sẽ không có Ngày Tự do, khi mà tất cả các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. Trong khi nước này có kể hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn A, B, C, D thì kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần thận trọng để tránh tuyên bố chiến thắng dịch bệnh quá sớm. Các biện pháp hạn chế có thể được tái áp đặt khi cần thiết.
Một ngày nào đó, số ca mắc Covid-19 hàng ngày không còn ám ảnh chúng ta nữa. Thế giới bên ngoài ngôi nhà của chúng ta không còn quá đáng sợ. Đó là khi dịch bệnh trôi qua và trở thành bệnh đặc hữu. Dù vậy, chúng ta mới chỉ bước những bước đi đầu tiên để đến được viễn cảnh đó./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN, Saturday Paper
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin