Australia phản đối nỗ lực của Trung Quốc gia nhập hiệp định CPTPP, trừ khi Bắc Kinh đáp ứng các điều kiện để gia nhập hiệp định này.
Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan (Ảnh: Reuters). |
Australia phản đối nỗ lực của Trung Quốc gia nhập hiệp định CPTPP, trừ khi Bắc Kinh đáp ứng các điều kiện để gia nhập hiệp định này.
Bình luận về thông tin Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan ngày 17/9 nói rằng, Trung Quốc không nên tham gia CPTPP cho đến khi thuyết phục được các nước thành viên của khối về việc tuân thủ các hiệp định thương mại hiện có cũng như các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Các bên tham gia CPTPP cũng muốn tự tin về việc một ứng cử viên tham gia sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp định một cách thiện chí", ông Tehan nói.
Ông Tehan thẳng thắn cho biết, Australia sẽ phản đối nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các đòn tấn công thương mại nhằm vào ngành xuất khẩu của Australia, nối lại liên lạc cấp bộ trưởng với chính quyền Thủ tướng Scott Morrison.
Mối quan hệ căng thẳng với Australia với các quốc gia thành viên khác của CPTPP hay kịch bản Mỹ gia nhập trở lại hiệp định có thể cũng cản trở tiến trình gia nhập của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xấu đi sau khi Australia cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng mạng 5G ở nước này vào năm 2018. Căng thẳng tiếp tục leo thang đáng kể hồi đầu năm nay khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập nguồn gốc dịch Covid-19 từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt thuế quan, hạn chế nhập khẩu khiến các doanh nghiệp Australia thiệt hại hàng tỷ USD.
Mối quan hệ này càng xấu đi hơn nữa khi mới đây Australia tham gia liên minh an ninh với Mỹ và Anh. Theo đó, Mỹ, Anh sẽ chia sẻ các công nghệ an ninh, quốc phòng cho Australia, trong đó có công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Giới quan sát nhận định, thỏa thuận là một phần trong nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Con đường để Trung Quốc gia nhập CPTPP
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao (Ảnh: Reuters). |
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/9 cho biết, Bộ trưởng Thương mại nước này Wang Wentao đã gửi thư đề nghị gia nhập CPTPP cho người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor. Đây mới chỉ là bước đầu trong quy trình xin gia nhập hiệp định này.
Một quốc gia muốn gia nhập CPTPP phải thông báo cho chính phủ New Zealand - nước thành viên hiện đảm nhận công việc hành chính, trong đó có việc tiếp nhận đơn xin gia nhập. New Zealand sau đó có trách nhiệm thông báo cho các thành viên khác của CPTPP.
Tiếp đến, Ủy ban CPTPP, cơ quan ra quyết định hiện do Nhật Bản giữ chức chủ tịch, sẽ quyết định có kích hoạt quá trình đàm phán kết nạp thành viên mới hay không.
Nếu quyết định bắt đầu tiến trình này, thì một nhóm công tác sẽ được lập ra để đảm nhận quá trình đàm phán. Nhật Bản sẽ giúp các quốc gia thành viên quyết định thành phần của nhóm công tác.
Trong quy trình này, Trung Quốc sẽ phải giải thích với nhóm công tác của CPTPP liệu họ sẽ tuân thủ các quy định của CPTPP như thế nào.
Trong vòng 30 ngày kể từ sau cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác, Trung Quốc sẽ phải đưa ra những đề xuất tiếp cận thị trường như: cắt giảm thuế quan, liệt kê các loại dịch vụ mở cửa cho nhà thầu của các nước thành viên tham gia đấu thầu hay một số loại trừ đối với việc mua sắm của chính phủ.
Trung Quốc sẽ bắt đầu các đàm phán thuế quan trên cơ sở song phương với các quốc gia thành viên trong khối.
Sau khi hoàn tất đàm phán, Nhóm công tác sẽ gửi báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban CPTPP về các điều kiện và điều khoản gia nhập với Trung Quốc.
Nếu phê chuẩn các điều khoản và điều kiện này, Ủy ban sẽ cho thời hạn 6 tháng để Trung Quốc gửi văn bản xác nhận có chấp thuận tuân thủ điều kiện và điều khoản gia nhập hay không. Sau 60 ngày kể từ khi gửi văn bản xác nhận chấp thuận các điều khoản và điều kiện, Trung Quốc có thể trở thành thành viên của CPTPP.
Sau một thời gian dài tỏ ra không mấy mặn mà với hiệp định, bắt đầu từ năm ngoái Bắc Kinh thay đổi thái độ với tuyên bố xem xét gia nhập. Hồi tháng 2 năm nay, Trung Quốc thông báo đã tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức với một số thành viên CPTPP, song không nêu chi tiết các trao đổi.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ rất được hưởng lợi nếu tham gia hiệp định. Tuy nhiên, con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc có thể sẽ gặp những thách thức.
Trang Diễn đàn Đông Á dẫn nhận định của Giáo sư Choong Yong Ahn, Đại học Chung-Ang, cho rằng cánh cửa gia nhập hiệp định của Trung Quốc sẽ hẹp hơn do các nước CPTPP siết các quy định mới liên quan đến trợ cấp doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và phúc lợi cho người lao động.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi từng nói với các phóng viên rằng: "Cần xác định liệu Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của CPTPP hay không".
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia thành viên là Singapore, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand. Hiệp định được ký kết vào năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile.
Để trở thành thành viên của CPTPP, Trung Quốc cần sự đồng thuận của 11 quốc gia thành viên. Nếu đơn đề nghị gia nhập được chấp nhận, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế thành viên lớn nhất và vị thế về thương mại, đầu tư của Trung Quốc trong khu vực sẽ được nâng lên đáng kể.
Tổng GDP của 11 quốc gia thành viên CPTPP hiện đạt khoảng 13,5 nghìn tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu. Các nước này cũng chiếm khoảng 14,9% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa các nước thành viên.
Theo Minh Phương/Báo điện tử Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin