Rời Singapore, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội chiều nay (24-8), bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và Mỹ hứng chịu áp lực về tình hình Afghanistan.
Rời Singapore, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội chiều nay (24-8), bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và Mỹ hứng chịu áp lực về tình hình Afghanistan.
Phó tổng thống Kamala Harris nói chuyện với binh sĩ Mỹ khi thăm tàu chiến USS Tulsa ở Singapore hôm 23-8, một ngày trước chuyến thăm Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Bối cảnh đặc biệt này làm nổi bật lên chi tiết đáng chú ý khi nhân vật số 2 của chính quyền Tổng thống Joe Biden chọn Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, làm điểm đến đầu tiên ở châu Á vào đầu nhiệm kỳ.
Ông Biden coi trọng Việt Nam
Thông thường, với các chuyến thăm cấp cao của Mỹ tới khu vực, họ thường kết hợp các địa điểm thành một chuyến công du nhiều nước. Việc bà Harris chỉ chọn thăm Singapore, Việt Nam chứng tỏ Mỹ rất coi trọng vai trò của Đông Nam Á trong cục diện chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Điều này cũng chứng tỏ vai trò, vị thế của Việt Nam và sự song trùng lợi ích của hai nước trong khu vực.
Thêm vào đó, trong chuyến công du của bà Harris, Mỹ chắc chắn không chỉ lựa chọn khu vực mà còn khẳng định cam kết xây dựng, củng cố mối quan hệ với các đối tác trong khu vực. Xét về mặt này, chuyến thăm cho thấy phía Mỹ thực sự đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển tốt.
Trên thực tế, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển mạnh mẽ. Các vấn đề tồn đọng như chính sách tiền tệ cũng được giải quyết ổn thỏa.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, hai bên cũng đã có bước tiến đáng ghi nhận quanh câu chuyện xử lý vấn đề chiến tranh, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của bộ đội Việt Nam...
So với chính quyền tổng thống Donald Trump, Tổng thống Biden là người có cách làm gần với phong cách truyền thống hơn. Bên cạnh những diễn biến tích cực như đã nói, chính quyền Tổng thống Biden trên thực tế đã thể hiện rõ việc coi trọng Việt Nam và nỗ lực thúc đẩy đà quan hệ song phương.
Trong ngoại giao, có thể lưu ý việc Tổng thống Biden đã gửi thư chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và chúc mừng thành công của Đại hội 13. Hiếm khi một tổng thống Mỹ chúc mừng đại hội Đảng và chúc mừng tổng bí thư.
Ngoài ra, hai nước đã duy trì những tham vấn ở cấp bộ trưởng, cấp nội các, mà điển hình nhất là ở hai lĩnh vực ngoại giao và kinh tế. Hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Biden cũng mời lãnh đạo Việt Nam dự hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu.
Khi hai nước có những vấn đề, ví dụ câu chuyện tiền tệ, ông Biden cũng là người tạm đình chỉ và tạo điều kiện cho hai bên tham vấn, thúc đẩy các tham vấn này theo hướng tích cực và mang tính xây dựng.
Vắc xin và kinh tế
Một trong những biểu hiện lạc quan nữa cho quan hệ song phương Việt - Mỹ là những hỗ trợ của Mỹ đối với Việt Nam trong vấn đề vắc xin, trang thiết bị y tế và tài chính phòng chống COVID-19. Washington khẳng định đây là sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và không đi kèm bất cứ điều kiện gì. Cho đến nay, phía Mỹ đã tặng Việt Nam 5 triệu liều vắc xin.
Kết quả chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam lần này vì vậy chắc chắn phải phục vụ hai mục tiêu chính: thúc đẩy quan hệ hai nước và tăng cường hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực.
Trong hai mục tiêu ấy, Mỹ và Việt Nam sẽ tìm cách làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực. Vấn đề liên quan tới phòng chống dịch bệnh sẽ là một trong những ưu tiên, thể hiện qua việc thành lập văn phòng Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) khu vực Đông Nam Á mà báo chí nhắc tới.
Lĩnh vực cấp bách thứ hai có thể kỳ vọng là vấn đề vắc xin. Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam, xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc phòng chống COVID-19, nên lần này hai bên sẽ tiếp tục thảo luận và thúc đẩy lĩnh vực hợp tác trên.
Một điểm nữa có thể kỳ vọng từ chuyến thăm này là vấn đề chuỗi cung ứng. Mỹ xem Việt Nam là một trong những mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cũng có mặt ở đây và họ nằm trong mắt xích đó.
Các thỏa thuận dự kiến sẽ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một thỏa thuận đơn thuần. Tất cả các lĩnh vực hợp tác này đều gắn bó mật thiết với lợi ích chung của Mỹ và Việt Nam, và đều thể hiện sự cam kết lâu dài của Washington.
Mỹ - Singapore ký kết nhiều thỏa thuận
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Singapore với nhiều kết quả cụ thể. Hôm 23-8, Nhà Trắng thông báo một loạt thỏa thuận mới ký giữa Mỹ và Singapore trong các lĩnh vực như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, xử lý đại dịch COVID-19 cũng như giảm thiểu vấn đề về chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, Mỹ và Singapore hoàn tất 3 thỏa thuận cho phép mở rộng hợp tác an ninh mạng liên quan tới lĩnh vực tài chính, sự can dự quân sự và xây dựng năng lực cho khu vực.
Một lĩnh vực khác thu hút sự chú ý lớn là hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác trong an ninh y tế, phòng chống COVID-19 và chuẩn bị cho việc ứng phó các đại dịch khác trong tương lai.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Công nghiệp và thương mại Singapore (MTI) khởi động một thỏa thuận Quan hệ Đối tác về tăng trưởng và đổi mới với 4 trụ cột: kinh tế số, công nghệ năng lượng và môi trường, sản xuất tiên tiến, y tế. Ngoài ra, hai nước khởi động đối thoại Mỹ - Singapore về chuỗi cung ứng, nhằm thúc đẩy khả năng hồi phục chuỗi cung ứng.
Về vấn đề an ninh, bà Harris cho biết trong cuộc gặp Thủ tướng Lý Hiển Long, bà tái nhấn mạnh cam kết của Mỹ về việc phối hợp cùng các đồng minh, đối tác quanh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng không, hàng hải, bao gồm ở Biển Đông.
Theo NHẬT ĐĂNG /Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin