Ukraine: Dòng chảy phương Bắc 2 là "vũ khí địa chính trị nguy hiểm"

08:08, 23/08/2021

Ukraine coi dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu là một "vũ khí địa chính trị nguy hiểm", Tổng thống Zelensky nhận định.

 

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Ukraine coi dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu là một "vũ khí địa chính trị nguy hiểm", Tổng thống Zelensky nhận định.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra nhận định trên ngày 22/8 trong cuộc họp báo chung ở Kiev với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đường ống dẫn khí trị giá 12 tỷ USD dưới Biển Baltic dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên vận chuyển từ Nga sang Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đường ống này sẽ không đi qua Ukraine, vì thế khiến Kiev mất đi doanh thu từ nguồn phí trung chuyển khí đốt.

"Chúng tôi nhìn nhận sự án này qua lăng kính an ninh và coi đây là một vũ khí địa chính trị nguy hiểm của điện Kremlin", ông Zelensky cho hay.

Tổng thống Zelensky nhận định, Ukraine sẽ phải hứng chịu những rủi ro lớn sau khi đường ống này hoàn thành, đồng thời cho rằng dự án trên cũng tạo ra mối nguy hiểm "cho toàn bộ châu Âu".

Đường ống này "sẽ chỉ làm lợi cho Liên bang Nga", ông Zelensky đánh giá.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel cho rằng, Berlin có chung quan điểm với Washington rằng "khí đốt không được sử dụng như một vũ khí địa chính trị".

Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết bà đã thảo luận với Tổng thống Nga Putin về việc mở rộng hợp đồng sau khi thỏa thuận giữa Moscow và Kiev hết hạn vào năm 2024.

"Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm đặc biệt và hiểu những lo ngại to lớn mà Tổng thống Zelensky bày tỏ. Chúng tôi sẽ xem xét việc này một cách vô cùng nghiêm túc", bà Merkel khẳng định.

Việc xây dựng đường ống dẫn khí trên đã dẫn đến căng thẳng giữa Đức và Mỹ nhưng Washington cuối cùng đã không trừng phạt công ty Nga thi công dự án.

Bà Merkel cho biết, thỏa thuận giữa Đức và Mỹ ghi rõ "các biện pháp trừng phạt" sẽ được thực hiện nếu khí đốt "bị sử dụng như một vũ khí".

Thỏa thuận này cũng bao gồm cam kết sẽ giúp Ukraine tiếp tục nhận được phí trung chuyển khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào vận hành. Tuy nhiên, người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước của Ukraine Naftogaz, ông Yuriy Vitrenko nhận định với Reuters hồi tháng trước rằng ông không nghĩ Nga sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh