Bên cạnh các biện pháp như phong tỏa, hạn chế đi lại, chính quyền thành phố Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã phải dùng đến "biện pháp cuối cùng" là sơ tán hàng ngàn dân để ngăn dịch lan rộng.
Người dân thành phố Thụy Lệ (Trung Quốc) xếp hàng chờ xét nghiệm acid nucleic vào ngày 5/7, sau khi phát hiện các ca nhiễm cộng đồng trong ngày trước đó - Ảnh: REUTERS |
Bên cạnh các biện pháp như phong tỏa, hạn chế đi lại, chính quyền thành phố Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã phải dùng đến "biện pháp cuối cùng" là sơ tán hàng ngàn dân để ngăn dịch lan rộng.
Với mục đích tạo ra "vùng đất không người" tạm thời ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar, chính quyền thành phố Thụy Lệ yêu cầu người dân thị trấn Thư Cốc (Jiegao, còn một âm nữa là Thư Cáo) rời nhà đến ở tạm tại một trung tâm cách ly cách đó khoảng 100km.
5.000 người rời nhà 14 ngày
Giới chức Thụy Lệ gọi đây là "biện pháp cuối cùng" để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhập cảnh đang góp phần làm lây lan dịch COVID-19 trong thành phố nói riêng và trên cả nước nói chung.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 27/8, khoảng 5.000 người sống ở thị trấn Thư Cốc được lệnh gói ghém đồ đạc trong hai ngày 23, 24/8 và lên xe buýt tới trung tâm cách ly ở thị trấn Mang cách đó 100km.
Từ đầu tuần, các video clip ghi lại cảnh cư dân Thư Cốc mặc đồ bảo hộ màu trắng xếp hàng lên xe buýt sơ tán tràn ngập các trang mạng xã hội Trung Quốc.
Ngày 25/8, nguồn tin từ chính quyền Thụy Lệ cho biết theo kế hoạch, người dân thị trấn Thư Cốc sẽ ở lại Mang trong 14 ngày và được khám sàng lọc kỹ lưỡng.
Một quan chức giấu tên của chính quyền Thụy Lệ cho biết toàn bộ người dân thị trấn Thư Cốc đã sơ tán xong. Người này cũng nói đây là "biện pháp cuối cùng" để ngăn dịch vì thị trấn này đã phong tỏa từ tháng 3 song vẫn tiếp tục có các ca nhiễm trong cộng đồng.
Sau khi chiến dịch sơ tán hoàn tất, chính quyền Thư Cốc đã dựng hàng rào dây thép gai có gắn camera giám sát theo dõi toàn bộ thị trấn. Địa phương cũng cử các đội an ninh và kiểm soát dịch bệnh tuần tra trên phố để đảm bảo không ai vượt biên và bảo vệ tài sản của người dân.
"Đây là quyết định khó khăn và đau lòng. Tính đến thứ tư tuần này (25/8), thị trấn đã phong tỏa tổng cộng 150 ngày. Người dân đã rất khó khăn", quan chức giấu tên cho hay. "Song giới chức y tế tỉnh Vân Nam vẫn coi đây là vùng nguy cơ cao. Chúng tôi buộc phải cách ly tất cả cư dân trong hai tuần. Không còn lựa chọn nào nữa", người này nói thêm.
Ngăn COVID-19 "vượt biên"
Theo Thời báo Hoàn Cầu, hôm 25/8 Thụy Lệ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm trong cộng đồng và 6 ca nhập cảnh trong 24 giờ. Sự việc cho thấy đợt bùng dịch lần thứ tư ở thành phố này chưa có dấu hiệu dừng lại, càng rõ hơn những phức tạp trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch ở vùng biên.
Việc biến thể Delta đang lây lan rộng ở Myanmar, Lào khiến chính quyền tỉnh Vân Nam - cửa ngõ của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á - càng thêm lo ngại. Thành phố Thụy Lệ và Myanmar có chung đường biên giới dài 170km. Tỉnh Vân Nam tiếp tục ghi nhận một loạt ca nhập cảnh, trong đó có những ca được xác định đã lây sang người dân địa phương.
Chính quyền Thụy Lệ tăng cường truy quét những người vượt biên theo lối mòn dọc biên giới giữa thành phố này với Myanmar. Nguồn tin của SCMP cho biết Thụy Lệ đã trục xuất "vài ngàn người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ", chủ yếu là người từ Myanmar và một số đến từ Lào.
Trước đó, hôm 5/7 Thụy Lệ thông báo triển khai chiến dịch phản ứng khẩn cấp mức 3 và phong tỏa thành phố sau khi ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng một ngày trước đó (4/7). Thành phố vùng biên này từng áp dụng biện pháp phong tỏa trong đợt bùng dịch thứ 3 trước đó.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, kể từ đầu dịch đến nay, Thụy Lệ đã làm hơn 30 đợt xét nghiệm acid nucleic. Một người dân địa phương sống tại cửa khẩu Thư Cốc cho biết trong vài tháng qua ông đã làm tới 6 xét nghiệm acid nucleic.
Giao thương tê liệt ở biên giới Tại thị trấn Thư Cốc có cây cầu cùng tên nối giữa Trung Quốc và Myanmar đã đóng cửa từ tháng 3 do COVID-19. Trước đại dịch, khu vực này là trung tâm giao thương sôi nổi giữa hai nước về các mặt hàng như thiếc và ngọc bích. Một người dân họ Vương ở thị trấn Thư Cốc cho biết cửa hàng kinh doanh đá quý của ông đã tổn thất nặng trong đại dịch do phải đóng cửa suốt 5 tháng qua. Ông nói ông "chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm" do tình hình dịch bệnh ở Myanmar cũng đang phức tạp. "Nguồn cung ngọc thô từ Myanmar cũng bị cắt, chúng tôi không còn gì để bán", ông Vương cho biết. Tới nay, Myanmar đã ghi nhận hơn 386.200 ca COVID-19, trong đó gần 15.000 ca tử vong. |
Theo ANH THƯ/Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin