Vaccine Covid-19 có thể không tạo ra chiếc áo giáp "bất khả chiến bại" trước virus SARS-CoV-2 nhưng có thể giúp chúng ta giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong cuộc chiến với đại dịch khốc liệt này.
Vaccine Covid-19 có thể không tạo ra chiếc áo giáp “bất khả chiến bại” trước virus SARS-CoV-2 nhưng có thể giúp chúng ta giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong cuộc chiến với đại dịch khốc liệt này.
Staci Martin, 50 tuổi đã tạm đóng cửa hàng tạp hóa của mình và quay về bán hàng online. Cô đã được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 nhưng vẫn không thể không lo lắng cho tình trạng của bản thân và gia đình trước những rủi ro mới của dịch bệnh.
Martin mắc bệnh mãn tính và có 1 đứa con chưa tiêm vaccine trong khi số ca mắc ở khu vực cô sinh sống tại Virginia Beach, Virginia đang tăng theo chiều thẳng đứng.
Ảnh minh họa: Reuters |
Martin đặc biệt cảnh giác khi những nghiên cứu chỉ ra rằng những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể trải qua các vấn đề về sức khỏe nếu mắc bệnh. Vì thế, cô luôn theo dõi sát sao dữ liệu về Covid-19 ở bang của cô và thấy rằng số ca mắc "đột biến" không ngừng tăng lên.
"Hiện giờ tôi còn thấy lo ngại hơn. Chúng tôi không ra ngoài nhiều", Martin cho hay.
Martin đã không sai khi lo lắng về điều này.
Từ những ngày đầu đại dịch, các chuyên gia y tế cộng đồng đã nhận định rằng việc tiêm vaccine là cách để người Mỹ quay lại cuộc sống bình thường nhưng con đường phía trước đang ngày càng trở nên mờ mịt.
Trong khi vaccine Covid-19 được phân phối trong thời gian kỷ lục thì sự bảo vệ của vaccine đang bị phủ bóng bởi tâm lý ngần ngại tiêm chủng, khả năng miễn dịch giảm dần và sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao.
Ném đá dò đường
3 nghiên cứu được Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố hôm 18/8 đã cho thấy một thực tế mới: Các ca đột phá đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn so với những ghi nhận trước đó.
"Dữ liệu gần đây rõ ràng cho thấy sự bảo vệ của vaccine với các ca nhẹ và vừa đã giảm qua thời gian. Điều này có thể vừa do hệ miễn dịch giảm vừa do sức mạnh của biến thể Delta", Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy nhận định trong cuộc họp báo ngày 18/8.
Không có cách nào để biết chính xác các ca đột phá phổ biến như thế nào trên khắp nước Mỹ vì một vài lý do. Nhiều ca mắc ở tình trạng tiền triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên khiến nhiều người bỏ qua xét nghiệm và hiện Mỹ không theo dõi các ca mắc sau khi tiêm vaccine một cách có tổ chức.
Nói cách khác, Mỹ đang "ném đá dò đường".
"Việc theo dõi diễn ra khác nhau ở nhiều nơi. Mọi thứ hoàn toàn lộn xộn", bác sĩ Eric Topol, phó chủ tịch nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California cho hay.
Ông Topol cho biết các ca đột phá là một thống kê quan trọng vì nhiều lý do. Tại những nơi làm tốt việc theo dõi các ca mắc sau khi tiêm vaccine, chẳng hạn như hạt San Diego, dữ liệu này có thể cho thấy một bức tranh thuyết phục về hiệu quả của vaccine.
Hiện nay, tại hạt San Diego, khu vực có dân số đông thứ năm của Mỹ, những người được tiêm vaccine có tỷ lệ mắc bệnh ít hơn 9 lần so với những người chưa tiêm vaccine và tỷ lệ nhập viện ít hơn 35 lần.
Số liệu này cũng có thể giúp những người đã tiêm vaccine tự đánh giá được rủi ro của mình, ông Topol cho hay.
"Hầu hết mọi người đều nghĩ nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ, bạn có thể sẵn sàng ra ngoài".
Tuy nhiên, khi biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao lan rộng và số ca mắc tăng vọt, những người đã tiêm vaccine cần điều chỉnh lại lối sống của mình, nhiều chuyên gia nhận định với USA Today.
Điều đó đồng nghĩa với sự quay lại của các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh đám đông.
Biến thể Delta yêu cầu sự "chia tầng bảo vệ", bác sĩ Lucy Horton, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Diego cho hay.
Bà so sánh vaccine Covid-19 hiện nay giống như một chiếc ô và những biến thể trước đó là một cơn mưa. Nhưng với biến thể Delta, chuyên gia này đã so sánh nó với "một trận cuồng phong".
Vaccine Covid-19 hiệu quả như thế nào trước biến thể Delta?
Các nghiên cứu gần đây nhất của CDC cho thấy các vaccine mRNA như Pfizer-BioNTech và Moderna có lẽ không đạt được hiệu quả trước biến thể Delta như chủng virus ban đầu. Điều đó đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden quyết định bắt đầu triển khai mũi vaccine tăng cường cho hầu hết người dân Mỹ vào mùa thu này.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng sự hiệu quả của vaccine đã giảm từ 91,7% xuống còn 79,8% từ 3/5 - 25/7 khi biến thể Delta thống trị số ca mắc ở New York.
Một nghiên cứu được cơ quan này công bố cũng cho thấy 2 vaccine mRNA trên có hiệu quả 74,7% trong các viện dưỡng lão trên toàn nước Mỹ từ tháng 3 - 5 nhưng đã giảm sự bảo vệ xuống còn 53,1% từ tháng 6 – 7, thời điểm biến thể Delta lan rộng.
Trong khi rõ ràng là các ca đột phá đang tăng lên thì các nghiên cứu này cũng cho thấy số ca nhập viện vẫn ổn định, một minh chứng cho thấy vaccine có thể tiếp tục ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng.
"Khi họ được đưa tới viện, họ có lẽ cần thở oxy một chút, ở trong viện một vài ngày, có thể cần tới liệu pháp truyền tĩnh mạch nếu bị mất nước và sau đó họ có thể về nhà", bác sĩ Amy Edwards, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Cleveland cho hay.
"Bạn sẽ rất hiếm khi nghe tới một ca mắc Covid-19 đột phá cần máy thở", chuyên gia này nói.
Nhìn chung, hầu hết các ca đột phá đều là tiền triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, bác sĩ David Boulware, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho biết, đồng thời nhận định điều này lý giải một phần tại sao khó có thể theo dõi những ca mắc này.
Các ca đột phá phổ biến như thế nào?
CDC Mỹ hồi tháng 5 đã dừng theo dõi các ca nhiễm đột phá. Trước đó, cơ quan này công bố một báo cáo cho thấy, trong số khoảng 12 triệu người được tiêm vaccine từ tháng 1 - 4, có 10.262 ca mắc đã xảy ra ở những trường hợp được tiêm vaccine đầy đủ.
Tuy nhiên, số liệu này công bố trước khi số ca nhiễm biến thể Delta tăng lên.
"Lý do tại sao CDC dừng việc theo dõi các ca mắc đột phá là họ thực sự khó có thể theo dõi một cách nhất quán. Xác định chính xác số lượng sẽ rất khó khăn", Arnold Monto, giáo sư về dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Michigan đánh giá.
Theo các chuyên gia y tế, điều gây trở ngại không phải là sự xuất hiện của các ca đột phá mà là việc người Mỹ bất ngờ về chúng. Ngay từ đầu đã có sự hiểu lầm phổ biến về vaccine Covid-19, các chuyên gia này bình luận.
Bác sĩ Aaron Glatt, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mount Sinai South Nassau, New York nhận định, nhiều người nghĩ việc tiêm vaccine sẽ khiến họ trở thành "siêu nhân". Tuy nhiên, trên thực tế, theo chuyên gia này: "Bạn vẫn có thể mắc Covid-19 nhưng sẽ ít nguy cơ hơn nhiều và nếu mắc thì bạn cũng không trải qua những triệu chứng nghiêm trọng".
Ngoại lệ duy nhất dường như là với những người suy giảm hệ miễn dịch - những người đang trải qua các triệu chứng sức khỏe nghiêm trọng khác hoặc quá già. Nếu không thì hầu hết các ca nhập viện và tử vong đều là những người chưa tiêm vaccine Covid-19.
"Hiện nay, tôi chưa tiếp nhận một bệnh nhân đã tiêm vaccine nào trong phòng chăm sóc tích cực (ICU)", bác sĩ Glatt, một thành viên của Hiệp hội nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ cho biết.
Hiện chưa rõ kế hoạch tiêm vaccine như thế nào sẽ đạt yêu cầu để chống lại Covid-19. Một số loại bệnh cần tiêm một loạt 2 - 3 mũi sau một vài tháng hoặc thường niên để vaccine “dạy” cho cơ thể cách đối phó với dịch bệnh. Đây là cách thức vaccine ngừa sởi, bệnh bại liệt và viêm gan B hoạt động.
Vaccine cúm sẽ cần tiêm mỗi năm 1 lần bởi virus này đột biến liên tục, yêu cầu cần vaccine mới để theo kịp tốc độ biến chủng của nó.
Việc tiêm 2 mũi vaccine mRNA ngừa Covid-19 cách nhau 3 - 4 tuần và 1 mũi tiêm nữa sau 8 tháng, tương tự như lộ trình tiêm chủng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà. Dù vậy, hiện chưa rõ lộ trình mới với chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 này có phải là lộ trình cuối cùng để đối phó với Covid-19 hay không.
"Đây là một virus mới, vì thế chúng ta vẫn chưa biết được. Chúng ta sẽ phải tiếp tục theo dõi và đưa ra sự thay đổi khi cần thiết.
Chúng ta cần xem liệu những thất bại của vaccine có tăng lên hay không và liệu lý do cho sự gia tăng đó có phải bởi virus đang đột biến hay bởi hệ miễn dịch suy giảm của người đó", Walter Orenstein, giám đốc Trung tâm Vaccine Emory và là cựu giám đốc chương trình chủng ngừa của CDC nói./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin