Mỹ mắc kẹt trong mối quan hệ bất đắc dĩ với Taliban sau 2 thập kỷ đối đầu

01:08, 27/08/2021

Giới chức Mỹ mô tả đó là một sự hợp tác cần thiết, mặc dù không mấy dễ chịu, khi nước này đang gấp rút sơ tán khỏi Afghanistan trước thời hạn ngày 31/8.

 

Lính Mỹ đứng gác tại vòng ngoài ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 16/8. Ảnh: AP
Lính Mỹ đứng gác tại vòng ngoài ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 16/8. Ảnh: AP

Giới chức Mỹ mô tả đó là một sự hợp tác cần thiết, mặc dù không mấy dễ chịu, khi nước này đang gấp rút sơ tán khỏi Afghanistan trước thời hạn ngày 31/8.

Hai thập kỷ trước, Tổng thống George W. Bush tố Taliban “tiếp tay cho hành động giết người” trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 – nguồn cơn khiến Mỹ bước vào cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ ở Afghanitsan.

Giờ đây, khi Tổng thống Biden kết thúc cuộc chiến mà ông Bush bắt đầu, Mỹ mắc kẹt trong mối quan hệ “hợp tác” không hề dễ chịu với chính lực lượng được xem là kẻ thù đó. Mỹ phải dựa vào Taliban trong việc bảo vệ công dân Mỹ và các đồng minh người Afghanistan khi thực hiện chiến dịch sơ tán chưa từng thấy khỏi quốc gia Nam Á này.

Mối quan hệ không thể tránh khỏi

Các nhà ngoại giao, quan chức tình báo và quân sự của Mỹ hiện đang có các cuộc thảo luận mang tính hợp tác với Taliban, vì nhóm này đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên của Mỹ ở sân bay Kabul, chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ và cả vũ khí của hành khách. Đó là một mối quan hệ chiến trường không thể tránh khỏi.

Tổng thống Biden đã vấp phải nhiều lời chỉ trích về cách xử lý quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, thậm chí từ nhiều thành viên đảng Dân chủ. Ngay cả các thành viên đảng viên Cộng hòa, những người từng ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong thời gian đàm phán với Taliban cũng chỉ trích ông Biden vì đã dựa vào lực lượng này.

Tuy nhiên, theo ông Biden và các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ, sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul hôm 15/8, một tình huống bắt buộc đã được đặt ra. Trong khoảng 10 ngày qua, mọi công việc dàn xếp với phía Taliban là cần thiết, mặc dù giới chức Mỹ cảm thấy không hề dễ chịu.

Trên thực tế, các cuộc làm việc giữa chính quyền Mỹ và Taliban - kẻ thù trong cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 lính Mỹ, không phải chưa từng xảy ra.

Năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã cho phép tiến hành các cuộc đàm phán với Taliban để trả tự do cho Bowe Bergdahl, một lính Mỹ bị nhóm này bắt giữ 1 năm trước đó.

Thời chính quyền Donald Trump, Mỹ đã tìm cách tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Taliban với hy vọng chấm dứt xung đột. Zalmay Khalilzad, nhà ngoại giao người Mỹ gốc Afghanistan, từng là Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Liên Hợp Quốc, được chỉ định dẫn dắt các cuộc đàm phán kéo dài gần 2 năm tại thủ đô Doha của Qatar.

Các cuộc đàm phán đã gần đi đến thành công khi năm 2019, ông Trump từng có ý định mời các đại diện Taliban tới Trại David. Ý định này đã nhanh chóng bị hủy bỏ sau vụ đánh bom liều chết của Taliban ở Kabul khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có một lính Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump đạt được một thỏa thuận với Taliban vào năm 2020, theo đó chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan vào ngày 1/5, thời hạn mà ông Biden đẩy lùi đến ngày 31/8.

Sự thực dụng cần thiết

Chính quyền Biden ban đầu không có ý định làm việc với Taliban trong cuộc di tản hiện nay, theo các quan chức Mỹ nắm thông tin về kế hoạch này.

Khi những người đầu tiên trong số gần 6.000 binh sĩ mà ông Biden điều động bắt đầu đến Kabul, các chỉ huy quân đội tin rằng họ sẽ làm việc với lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan để giúp đưa công dân Mỹ và những người khác đến nơi an toàn. Nhưng đến ngày 15/8, khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước và lực lượng an ninh của chính quyền này cũng không còn hoạt động.

Ngày hôm đó, Tướng Kenneth F. McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, đã gặp các thủ lĩnh Taliban, yêu cầu nhóm này không can thiệp vào việc sơ tán.

Tại cuộc gặp, phía Taliban nói với Tướng McKenzie rằng an ninh ở Kabul đang xấu đi và họ phải hành động nhanh chóng để đảm bảo an ninh cho thành phố. Theo một quan chức Mỹ, Taliban cũng đã đề nghị thiết lập một hệ thống liên lạc để thảo luận về các vấn đề an ninh.

Trong hai tuần qua, đã có các cuộc trao đổi định kỳ giữa các thành viên Taliban phụ trách an ninh ở Kabul và các chỉ huy quân đội Mỹ.

Theo giới chức Mỹ, đây là cuộc trao đổi mang tính chiến thuật, phản ánh mối quan hệ thực dụng cần thiết và dự kiến sẽ không tiếp tục sau khi hoạt động sơ tán kết thúc vào ngày 31/8.

Thomas Joscelyn, nhà phân tích về cuộc chiến ở Afghanistan của Tạp chí Long War cũng cho rằng những cuộc thảo luận chiến thuật như vậy có lẽ là cần thiết.

“Có những cuộc trao đổi chiến thuật nhất định cần phải được thực hiện, bởi họ đối mặt trực tiếp với nhau và cần phải có các động thái giảm xung đột”, ông Joscelyn nói.

Sau vụ đánh bom ngày 26/8, Tướng McKenzie cho biết quân đội Mỹ đã yêu cầu Taliban điều chỉnh các hàng rào an ninh và đóng một số tuyến đường cụ thể mà Mỹ đã xác định là nguồn đe dọa.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho những cuộc tấn công có thể xảy ra. Điều đó bao gồm cả việc tiếp cận với Taliban. Chúng tôi sẽ vẫn phối hợp với họ chừng nào họ còn họ tiếp tục công việc hiện nay”, Tướng McKenzie nói.

Mặt khác, tối 26/8, các lực lượng Mỹ đã đánh sập căn cứ Eagle ở ngoại ô Kabul, được CIA sử dụng làm nơi huấn luyện các lực lượng chống khủng bố Afghanistan, nhằm ngăn chặn khả năng căn cứ này rơi vào tay Taliban. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Taliban.

Khả năng hợp tác chống khủng bố?

Hiện nay, các quan chức Mỹ vẫn tin rằng họ có thể dựa vào Taliban để ngăn chặn các cuộc tấn công từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc các nhóm khủng bố khác. Taliban và IS đã nhiều lần đối đầu nhau ở Afghanistan.

Dù vậy, giới chức Mỹ cho rằng, việc Taliban phóng thích hàng loạt tù nhân trước khi xảy ra vụ đánh bom ở sân bay Kabul khiến hàng chục người thiệt mạng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy lực lượng này sẽ hành động theo những cách không đáng tin cậy, từ đó dẫn đến những diễn biến có thể gây nguy hiểm cho Mỹ.

Theo New York Times, một khi quá trình sơ tán hoàn tất, phần lớn liên lạc thường xuyên với Taliban có thể do CIA thực hiện. Chuyến thăm Kabul hôm 23/8 của Giám đốc CIA William J. Burns có thể là sự khởi đầu cho các cuộc làm việc trong những năm tới.

Tuy nhiên, việc CIA đàm phán và hợp tác với Taliban ở mức độ nào có thể sẽ phụ thuộc vào hành vi của nhóm này. Nếu Taliban cho phép Mỹ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của IS và al Qaeda cũng như cung cấp thông tin về các phần tử khủng bố tại Afghanistan, chính phủ Mỹ nhiều khả năng hợp tác với họ.

Mặt khác, mức độ hợp tác với Taliban cũng có thể phụ thuộc vào việc Tổng thống Biden có nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội hay không./.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh