Guồng máy lãnh đạo Taliban hoạt động như thế nào?

01:08, 18/08/2021

Hội đồng lãnh đạo chỉ định thủ lĩnh và giữ vai trò cố vấn cho thủ lĩnh. Các chỉ huy quân sự tại địa phương có quyền hạn độc lập đáng kể.

Hội đồng lãnh đạo chỉ định thủ lĩnh và giữ vai trò cố vấn cho thủ lĩnh. Các chỉ huy quân sự tại địa phương có quyền hạn độc lập đáng kể.

Thủ lĩnh Haibatullah Akhundzada (giữa), phó tướng Abdul Ghani Baradar (trái) và phó tướng Sirajuddin Haqqani (phải) - Ảnh: TALIBAN
Thủ lĩnh Haibatullah Akhundzada (giữa), phó tướng Abdul Ghani Baradar (trái) và phó tướng Sirajuddin Haqqani (phải) - Ảnh: TALIBAN

Để đánh giá Taliban hoạt động chính trị ở Afghanistan như thế nào, cần xem xét cách tiếp cận và cấu trúc ban hành quyết định của phong trào này.

Hai chuyên gia Ashley Jackson và Rahmatullah Amiri đã viết: "Taliban hoạch định chính sách căn cứ yêu cầu cần thiết về quân sự và chính trị".

Nói cách khác, chính sách của Taliban có thể thay đổi và mang tính chất thực dụng khi cần thiết.

Cấu trúc hàng dọc

Theo nghiên cứu của Trung tâm Đấu tranh chống khủng bố thuộc Học viện Quân sự West Point (Mỹ), Taliban không phải là đảng chính trị mà chủ yếu là phong trào quân sự.

Taliban tạo tính hợp pháp tôn giáo bằng cách luôn tham chiếu luật Hồi giáo Sharia và giải thích luật theo ý mình.

Cách tiếp cận này đã được Taliban thể hiện qua tên nước Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan trong 5 năm cầm quyền từ năm 1996-2001.

Guồng máy Taliban là cấu trúc mang tính chất kép với các đặc điểm hoạt động hàng dọc và hàng ngang.

Theo trục dọc chỉ huy, người lãnh đạo cao nhất được gọi là "thủ lĩnh các tín đồ" (Amīr al-Muʾminīn) và là người đưa ra phán quyết cuối cùng.

Hội đồng lãnh đạo (Rahbari Shura hoặc Quetta Shura) gồm các nhân vật lão làng giữ vai trò cố vấn cho thủ lĩnh.

Thủ lĩnh dường như giữ chức vụ này đến lúc qua đời vì đến nay chưa thấy có tiền lệ hoặc quy định nào khác.

Hội đồng lãnh đạo còn kiểm soát một số ủy ban giống như các bộ trong chính phủ.

Trong các ủy ban có hội đồng học giả Hồi giáo (ulema), ủy ban quân sự và ủy ban chính trị.

Từ khi ra khỏi nhà tù Pakistan năm 2018 và được chỉ định làm một trong ba phó thủ lĩnh đương nhiệm, Abdul Ghani Baradar (người đồng sáng lập Taliban với thủ lĩnh Mohammad Omar) đã phụ trách ủy ban chính trị.

Thủ lĩnh Mohammad Omar chết do bệnh năm 2013 theo thông báo của Taliban.

Khác với các nhóm nổi dậy vũ trang khác, Taliban thiết lập nhánh chính trị tách rời nhánh quân sự.

Cụ thể nhất là văn phòng ủy ban chính trị Taliban tại Doha hoạt động như bộ ngoại giao lưu vong, giữ vai trò đàm phán với Mỹ và nhiều tác nhân quốc tế khác.

Xe chở thủ lĩnh Akhtar Mansour bị máy bay không người lái Mỹ không kích năm 2016 - Ảnh: AFP
Xe chở thủ lĩnh Akhtar Mansour bị máy bay không người lái Mỹ không kích năm 2016 - Ảnh: AFP

Cấu trúc hàng ngang

Cấu trúc hàng ngang của Taliban được tổ chức như một mạng lưới gồm các mặt trận do các chỉ huy quân sự lãnh đạo.

Muốn hoạt động trong mạng lưới, các mặt trận Taliban ở địa phương (Mahaz) phải được hội đồng lãnh đạo công nhận.

Các chỉ huy mặt trận có thẩm quyền độc lập đáng kể khi giải quyết công việc hằng ngày.

Theo Trung tâm Đấu tranh chống khủng bố, dường như nguyên tắc chỉ đạo của giới lãnh đạo Taliban là chấp nhận các chỉ huy quân sự duy trì mức tự chủ đáng kể, miễn đừng đi ngược các nguyên tắc chính đã được hội đồng lãnh đạo đề ra.

Lề lối hoạt động này tương tự cấu trúc của một bộ tộc và được thiết kế để tránh gây chia rẽ do quản lý quá mức.

Các mặt trận còn thuộc một mạng lưới phi chính thức lớn hơn gắn kết với các thành viên hội đồng lãnh đạo hoặc các nhân vật Taliban có uy tín ít nhiều có quyền kiểm soát các nguồn thu nhập.

Ví dụ như mạng lưới Haqqani ở vùng đông nam Afghanistan.

Mạng lưới này hoạt động gần như tự trị trong lòng Taliban vì có nguồn gốc lâu đời hơn Taliban và quan hệ chặt với cơ quan tình báo Pakistan từ thời đánh nhau với quân đội Liên Xô.

Sirajuddin Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới giữ chức phó tướng Taliban.

Các tay súng mạng lưới Haqqani ở đông nam Afghanistan - Ảnh: sayhoon.com
Các tay súng mạng lưới Haqqani ở đông nam Afghanistan - Ảnh: sayhoon.com

Bộ máy chính quyền dân sự song song

Trong những năm sau 2001, Taliban đã thiết lập một bộ máy chính quyền song song gồm các ủy ban địa phương phụ trách quản lý các vùng do Taliban kiểm soát.

Trong các vùng này, Taliban không cung cấp trực tiếp dịch vụ công mà giữ vai trò giám sát các dịch vụ công của Chính phủ Afghanistan.

Cuối những năm 2010, Taliban đã thiết lập hệ thống đánh thuế hàng vận chuyển.

Người chở hàng có thể tránh bị đánh thuế nhiều lần bằng cách cung cấp biên lai do Taliban cấp được công nhận trong các vùng Taliban kiểm soát.

Trên thực tế, các chỉ huy quân sự địa phương giám sát luôn các ủy ban dân sự.

Với cấu trúc nêu trên của Taliban, yếu tố đoàn kết là yêu cầu quan trọng trong bối cảnh tính độc lập trong cấu trúc hàng ngang có thể co giãn, nghĩa là mọi chính sách ở cấp cao nhất có thể không được thực hiện hoàn toàn ở cấp bên dưới.

Cấu trúc nêu trên vẫn được duy trì dưới trào thủ lĩnh Mawlawi Hibatullah Akhundzada.

Akhundzada được bổ nhiệm làm thủ lĩnh Taliban đời thứ ba từ tháng 5-2016 sau khi thủ lĩnh Akhtar Mansour bị máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt ở Pakistan.

Theo HOÀNG DUY LONG/Tuổi trẻ Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh