Afghanistan đang sở hữu nhiều mỏ khoáng sản quan trọng trị giá gần 1.000 tỷ USD và tiềm năng này có thể làm thay đổi đáng kể triển vọng kinh tế của đất nước.
Taliban tại thủ đô Kabul. Ảnh: AFP |
Afghanistan đang sở hữu nhiều mỏ khoáng sản quan trọng trị giá gần 1.000 tỷ USD và tiềm năng này có thể làm thay đổi đáng kể triển vọng kinh tế của đất nước.
Việc Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay lực lượng Taliban sau 2 thập kỷ Mỹ can thiệp quân sự vào quốc gia này đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo.
Diễn biến này cũng khiến nhiều chuyên gia an ninh đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác của quốc gia Nam Á này?
Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng vào năm 2010, các quan chức quân đội Mỹ và các nhà địa chất học tiết lộ rằng, với vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở ngã tư giữa Trung Á và Nam Á, Afghanistan đang sở hữu nhiều mỏ khoáng sản quan trọng trị giá gần 1.000 tỷ USD và tiềm năng này có thể làm thay đổi đáng kể triển vọng kinh tế của đất nước.
Các mỏ khoáng sản như đồng, vàng, sắt nằm rải rác khắp các tỉnh thành ở Afghanistan, ngoài ra còn có cả mỏ đất hiếm và quan trọng nhất có lẽ là mỏ lithium lớn nhất thế giới. Lithium là thành phần thiết yếu nhưng khan hiếm hiện nay, dùng cho pin tái tạo nặng lượng và các công nghệ quan trọng khác nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Ông Rod Schoonover, nhà khoa học kiêm chuyên gia an ninh sáng lập Tổ chức Tương lai Sinh thái cho rằng: “Afghanistan chắc chắn là một trong những khu vực có nguồn kim loại quý dồi dào nhất thế giới. Đây cũng là những kim loại cần thiết cho các nền kinh tế mới nổi của thế kỷ 21”.
Trước kia, những thách thức về an ninh, thiếu cơ sơ hạ tầng và tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã cản trở quá trình khai thác hầu hết các loại khoáng sản có giá trị tại Afghanistan.
Điều này có thể sẽ không thay đổi nhanh chóng khi Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Tuy nhiên, các nước khác như Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ rất quan tâm đến các mỏ khoáng sản này và có thể tìm cách tham gia khai thác bất chấp tình trạng hỗn loạn.
Tiềm năng to lớn
Ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan hồi đầu năm nay, triển vọng kinh tế của quốc gia này vẫn rất mờ mịt.
Vào năm 2020, ước tính có khoảng 90% người dân Afghanistan sống dưới mức nghèo đói, báo cáo của Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ công bố tháng 6/2021 cho biết. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế của Afghanistan “vẫn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào viện trợ”.
“Sự phát triển của khu vực tư nhân và đa dạng hóa bị kìm kẹp bởi tình trạng mất an ninh, bất ổn chính trị, quản lý yếu kém, sơ sở hạ tầng thiếu thống, tình trạng tham nhũng tràn lan và môi trường kinh doanh khó khăn”, đánh giá của WB lưu ý.
Mặc dù vậy, những tiết lộ về nguồn khoáng sản dồi dào và phong phú của Afghanistan, được đưa ra dựa trên các khảo sát do Liên Xô thực hiện trước kia đã mang đến nhiều hứa hẹn.
Nhu cầu về các kim loại như lithium, coban cùng các nguyên tố đất hiếm như neodymi đang gia tăng trong bối cảnh nhiều quốc gia chuyển sang phát triển ô tô điện và các công nghệ sạch để giảm thải CO2.
Hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cần phải gia tăng mạnh mẽ nguồn cung các kim loại như lithium, đồng, niken, coban và đất hiếm nếu không thế giới sẽ thất bại trong ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
3 quốc gia gồm Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo và Australia - hiện chiếm 75% sản lượng lithium, coban và đất hiếm trên toàn cầu.
Theo đánh giá của chính phủ Mỹ, trữ lượng lithium ở Afghanistan có thể sánh ngang với trữ lượng tại Bolivia – quốc gia có nguồn lithium lớn nhất thế giới hiện nay.
Phát biểu với tạp chí Khoa học năm 2010, ông Said Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho rằng: “Nếu Afghanistan có được một vài năm yên bình để phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản thì nước này có thể trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất trong khu vực trong vòng 1 thập kỷ”.
Còn rất nhiều rào cản
Nhưng những ngày tháng yên bình chưa từng xuất hiện và hầu hết các mỏ khoáng sản dồi dào của Afghanistan vẫn nằm sâu dưới lòng đất, Mosin Khan – chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Atlantic cho biết.
Mặc dù Afghanistan đã thực hiện một số hoạt động khai thái vàng, đồng và quặng sắt, nhưng việc khai thác các khoáng sản như lithium và đất hiếm đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực, công nghệ và thời gian.
IEA ước tính, từ lúc phát hiện ra mỏ khoáng sản cho tới khi bắt đầu tiến hành khai thác phải mất trung bình 16 năm.
Theo ông Mosin Khan, hiện việc khai thác khoáng sản mới chỉ mang về doanh thu 1 tỷ USD cho Afghanistan mỗi năm và khoảng 30% đến 40% số tiền đó bị bòn rút do tham nhũng hoặc rơi vào tay các tướng lĩnh quân đội hay Taliban, vốn làm chủ một số dự án khai khoáng nhỏ.
Vẫn có khả năng Taliban sẽ sử dụng quyền lực mới của lực lượng này để phát triển ngành khai mỏ. Song chuyên gia Schoonover lưu ý, Taliban có thể chưa nghĩ tới điều này bởi họ cần phải tập trung xử lý các vấn đề an ninh và nhân đạo trước.
Joseph Parkers, chuyên gia an ninh châu Á tại công ty tình báo phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, nhận định: “Taliban đã nắm quyền nhưng quá trình chuyển đổi từ một lực lượng nổi dậy thành một chính phủ có trách nhiệm không hề đơn giản. Có thể phải mất nhiều năm nữa để quản lý tốt việc khai thác khoáng sản”.
Nhà phân tích Mosin Khan cho rằng, Afghanistan vốn đã khó thu hút đầu tư nước ngoài ngay cả trước khi Taliban lật đổ chính phủ được phương Tây hậu thuẫn.
Việc thu hút vốn đầu tư tư nhân được dự đoán sẽ còn khó khăn hơn ở thời điểm hiện nay khi nhiều doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. “Ai sẽ đầu tư vào Afghanistan khi mà trước đây họ đã không sẵn sàng làm điều đó. Các nhà đầu tư tư nhân sẽ không đánh liều chấp nhận rủi ro”.
Các giới hạn của Mỹ đối với Afghanistan cũng tạo ra một thách thức lớn. Dù Mỹ không liệt Taliban vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài nhưng lực lượng này đã bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách khủng bố toàn cầu đặc biệt.
Cơ hội cho Trung Quốc?
Các dự án do nhà nước hậu thuẫn, một phần xuất phát từ động cơ địa chính trị có thể là một câu chuyện khác. Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu thế giới về khai thác đất hiếm hồi đầu tuần này cho biết đã “duy trì tiếp xúc và liên lạc với Taliban”.
Chuyên gia Schoonover cho rằng: “Trung Quốc - nước láng giềng của Afghanistan, đang phát triển chương trình năng lượng xanh rất quan trọng. Lithium và đất hiếm là những nguyên liệu không thể thay thế do tính chất vật lý đặc biệt của chúng. Những loại khoáng sản này đang nằm trong kế hoạch dài hạn của họ”.
Tuy vậy, nếu Bắc Kinh tham gia khai thác, sẽ có nhiều lo ngại về mặt trái của các dự án khai thác mỏ. “Nếu công việc khai thác không được thực hiện một cách có trách nhiệm, nó sẽ tàn phá hệ sinh thái và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân”, ông Schoonover lưu ý.
Tuy vậy, Bắc kinh có thể chưa sẵn sàng làm đối tác khai thác chung với Taliban do tình hình bất ổn tại Afghanistan và sẽ tập trung vào các khu vực khác. Chuyên gia Khan cho biết, trước đó Bắc Kinh đã đầu tư vào một dự án khai thác đồng ở quốc gia này nhưng dự án đang bị trì hoãn./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin