Mục đích chính trong chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

10:07, 27/07/2021

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Joe Biden thăm Đông Nam Á trong tuần này, nhằm tìm cách củng cố quan hệ với các nước trong khu vực và kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Joe Biden thăm Đông Nam Á trong tuần này, nhằm tìm cách củng cố quan hệ với các nước trong khu vực và kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực

Phát biểu với báo chí trên đường tới Alaska, trước chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam và Philippines, Bộ trưởng Austin cho biết: “Bạn sẽ nghe tôi nói rất nhiều về quan hệ đối tác và giá trị của quan hệ đối tác. Mục tiêu của tôi là củng cố các mối quan hệ”.

Dự kiến, trong bài phát biểu quan trọng tại Singapore vào ngày 27/7 và trong các cuộc hội đàm tại Việt Nam, Philippines, ông Austin sẽ nêu bật hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Chuyến thăm Đông Nam Á của ông Austin diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong hai ngày 25 - 26/7 và cùng thời điểm với chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Ấn Độ - một đối tác quan trọng khác của Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, chuyến thăm là nỗ lực của chính quyền Biden nhằm chứng minh khu vực có tầm quan trọng lớn đối với Mỹ.

Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định: “Chính quyền Biden hiểu rằng khu vực này rất quan trọng, vì vậy họ cần phải tăng cường sự hiện diện và củng cố các mối quan hệ”.

Một nhà ngoại giao ở Đông Nam Á cho biết, chính quyền Biden dường như đang hướng sự tập trung mạnh mẽ hơn vào châu Á sau khi giải quyết xong các vấn đề toàn cầu khác, chẳng hạn như quan hệ với Nga và châu Âu.

Ông Austin có ý định đến thăm khu vực này vào tháng 6 nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 ở Singapore.

Tổng thống Biden đang nỗ lực tìm cách tập hợp các đồng minh và đối tác để hình thành một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với những gì mà họ cho là các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng mang tính cưỡng ép của Trung Quốc.

Mỹ coi việc đối trọng với Trung Quốc là một trong những ưu tiên chính trong chính sách an ninh quốc gia của nước này suốt nhiều năm qua. Chính quyền Tổng thống Biden đã gọi cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh là “thử thách địa chính trị lớn nhất” của Mỹ trong thế kỷ 21.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã hoàn tất một nghiên cứu về chính sách đối với Trung Quốc và Bộ trưởng Austin cũng ban hành một chỉ thị nội bộ kêu gọi các thành viên đưa ra một số sáng kiến liên quan, song có rất ít chi tiết được công bố.

Vực lại trụ cột chính?

6 tháng sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, các nước Đông Nam Á vẫn đang tìm kiếm chi tiết về chiến lược và các kế hoạch cụ thể của ông liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại và quân sự giữa Mỹ với khu vực.

Theo một số nhà phân tích, Mỹ đang thiếu các thỏa thuận về kinh tế và thương mại - vốn được coi là một trụ cột chính trong hợp tác của nước này với khu vực, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Chính quyền Tổng thống Biden dù thể hiện rõ lập trường sẽ không vội vàng tái gia nhập hiệp định – điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ khiến Mỹ mất đi nhiều việc làm, nhưng đã thảo luận về khả năng tiến tới các thỏa thuận nhỏ hơn chẳng hạn như thương mại kỹ thuật số.

Abraham Denmark, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Đông Á nhận định, Washington đang nói “tất cả những điều đúng đắn khi cạnh tranh với Trung Quốc”, nhưng vẫn có những câu hỏi được đặt ra về việc làm thế nào để họ có thể chuyển lời nói thành hành động và các thỏa thuận đầu tư.

“Vẫn chưa rõ Mỹ sẽ thực hiện như thế nào trong vấn đề phân bổ ngân sách ra sao, tổ chức lực lượng, cùng việc đầu tư vào ngoại giao và cơ sở hạ tầng”.

Các nhà phân tích cho rằng, trong chuyến công du này, ông Austin sẽ phải cân bằng giữa việc nêu bật mối đe dọa từ Trung Quốc và việc Mỹ mong muốn hợp tác với Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ đơn thuần là về mặt quân sự.  

“Hợp tác quân sự là điều tốt và đáng được hoan nghênh nhưng Mỹ vẫn cần một chiến lược về kinh tế”, một nhà ngoại giao châu Á cho biết.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội đối với khoản kinh phí 66 tỷ USD dành riêng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm tài khóa 2022.

Gần 5 tỷ USD trong số này sẽ được phân bổ cho Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương (PDI), nhằm mở rộng dấu ấn của Mỹ trong khu vực thông qua các cuộc tập trận và huấn luyện tác chiến, cung cấp hậu cần trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang.

Ông Kurt Campbell, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã bày tỏ mong muốn xây dựng một lực lượng quân sự cơ động và tác chiến nhanh của Mỹ trong khu vực, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các căn cứ tiền phương cố định ở Nhật Bản và Hàn Quốc, những nơi rất dễ bị tấn công.

Trong khuôn khổ PDI, Mỹ đã lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới các cơ sở radar để phòng thủ và bảo vệ các lực lượng trên đảo Guam và trong khu vực, với kinh phí 27 tỷ USD trong 5 năm, từ 2022 đến 2027.

Cùng với đó, Hải quân Mỹ thường xuyên duy trì các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức Trung Quốc.

Chuyến thăm này có rất nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ muốn trấn an các đồng minh và đối tác về cam kết giữ vững an ninh và an toàn cho khu vực.

“Một trong những lý do Bộ trưởng Austin đến thăm Đông Nam Á là để giải thích ý nghĩa của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) và hy vọng có được sự hỗ trợ cho chiến lược an ninh mới”, một nguồn tin ngoại giao châu Á cho biết./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh