Mối đe dọa từ biến thể Delta và những bài học kinh nghiệm đối phó với Covid-19

08:07, 27/07/2021

Dưới đây là những bài học kinh nghiệm của các nước trong nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 giữa bối cảnh biến thể Delta với tốc độ lây lan khủng khiếp đang đe dọa đưa thế giới quay về vạch xuất phát.

Dưới đây là những bài học kinh nghiệm của các nước trong nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 giữa bối cảnh biến thể Delta với tốc độ lây lan khủng khiếp đang đe dọa đưa thế giới quay về vạch xuất phát.

Biến thể Delta hiện đang là chủng virus chiếm áp đảo tại nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters
Biến thể Delta hiện đang là chủng virus chiếm áp đảo tại nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters

Sự “thống trị” của biến thể Delta                       

Tại châu Âu, số liệu được Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) công bố cuối tuần qua cho thấy, biến thể Delta hiện đang là chủng virus chiếm áp đảo tại 19 trong tổng số 28 nước có báo cáo đầy đủ về quá trình giải mã các biến thể lên ECDC.

Tại 19 nước này, tỷ lệ người nhiễm biến thể Delta trung bình là trên 68%, cao gấp 3 lần tỷ lệ người nhiễm biến thể Alpha (22%).

Biến thể Delta đang lây lan đặc biệt nhanh trong giới trẻ châu Âu khi số liệu trong 1 tháng qua cho thấy, số ca nhiễm biến thể Delta trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi tại châu Âu đã tăng gấp 5 lần.

Tại một số nước như Anh, biến thể Delta chiếm 99% số ca nhiễm. Tại các nước như Ireland, Đan Mạch hay Italy, tỷ lệ này là 90%. Tại Pháp, biến thể Delta hiện đã chiếm tới 68% số ca nhiễm, tại Đức là 75%.

Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm tại các nước châu Âu tăng rất nhanh, như tại Tây Ban Nha là trung bình 25.000 ca/ngày trong tuần qua, tại Pháp là 18.000 ca.

Cao nhất vẫn là tại Anh, khi số ca nhiễm những ngày gần đây vẫn ở mức gần 30.000 ca/ngày, dù số liệu này đang có xu hướng giảm.

Thực tế trên khiến hầu hết các nước châu Âu, trừ Anh, đều đang phải siết chặt các biện pháp phòng dịch thông qua quy định về “giấy thông hành y tế”, tức buộc người dân phải tiêm đủ vaccine hoặc xét nghiệm liên tục mới được phép tham gia hoạt động kinh tế - xã hội.

Các nước Pháp, Italy, Đức… đều đã và đang áp dụng quy định này. Ngoài ra, các nước còn ra quy định tiêm vaccine bắt buộc với một số ngành nghề, như nhân viên chăm sóc y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với người già… Mục tiêu của các nước châu Âu là tiêm vaccine nhanh nhất có thể để chạy đua với biến thể Delta.

Sự xuất hiện của các biến chủng mới, đặc biệt là Delta đã khiến số ca mắc mới mỗi ngày ở Mỹ gia tăng trở lại, nhất là ở các bang có tỷ lệ tiêm phòng thấp, mặc dù khoảng 66% người dân Mỹ, bao gồm cả trẻ em trên 12 tuổi, đã được nhận ít nhất 1 liều vaccine.

Delta hiện đang là biến chủng chủ đạo ở Mỹ và đang tiếp tục lây lan khá nhanh với khoảng 83% số ca mắc mới.

Với xu hướng gia tăng các ca nhiễm biến chủng Delta tại Mỹ như hiện nay, một số mô hình dự báo cho rằng sẽ có tới hơn 200.000 ca mắc mỗi ngày ở Mỹ vào mùa Thu năm nay, trong khi số ca tử vong có thể tăng gấp 3 so với con số hiện nay là khoảng 250 ca mỗi ngày.

Điều đáng mừng là các loại vaccine ở Mỹ vẫn phát huy hiệu quả trước các biến chủng, bao gồm cả Delta, do đó, số ca mắc mới chủ yếu bùng phát ở các khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp, và các nhóm gặp rủi ro nhất trước biến chủng này là những người chưa tiêm phòng, người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Hiện một số công ty dược phẩm Mỹ như Pfizer đang nghiên cứu nâng cấp vaccine của mình để có phiên bản đặc biệt nhằm đối phó với biến chủng Delta hiệu quả hơn.    

Chiến lược mở cửa toàn diện của Anh

Nước Anh đã gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế để chống dịch ngày 19/7, tức đã đến nay đã được hơn 1 tuần.

Tuy nhiên, thời gian này là quá ngắn để có thể nói về bất cứ tác động nào của việc gỡ bỏ. Dù vậy, hiện đang có một số dữ liệu rất đáng chú ý. Vào thời điểm nước Anh gỡ toàn bộ các phong tỏa ngày 19/7, nước này có trên 39.000 ca nhiễm/ngày.

Trước đó vài ngày, số ca mắc luôn dao động quanh mức gần 50.000 ca/ngày. Nhưng, kể từ thời điểm 19/7 đến nay, số ca nhiễm hàng ngày đã liên tục giảm. Tính đến ngày 25/7, số ca nhiễm chỉ còn ở mức 29.000 ca/ngày, và là ngày giảm thứ 5 liên tiếp.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, nước Anh ghi nhận 5 ngày giảm số ca nhiễm liên tiếp mà không phải nhờ tác động của bất kỳ lệnh phong tỏa hay biện pháp hạn chế nào. Số ca nhiễm trong tuần đầu tiên nước Anh gỡ toàn bộ các biện pháp hạn chế đã giảm 15,4% so với tuần trước đó.

Đây là những con số rất tích cực và tương đối bất ngờ. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế tại Anh, như Giáo sư Paul Hunter của trường Đại học Đông Anglia nhận định, các số liệu này chưa ghi nhận bất cứ tác động nào của việc gỡ toàn bộ các biện pháp hạn chế và phải đợi ít nhất đến ngày 30/7 mới có các số liệu chính xác hơn về hiệu quả thực sự của việc gỡ toàn bộ các biện pháp chống dịch.

Ngoài ra, dù số ca nhiễm hàng ngày giảm nhưng số ca tử vong và nhập viện trong tuần qua lại đang gia tăng. Đã có thêm 1.157 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, tăng tới 26,7% trong 1 tuần, đồng thời số ca tử vong tăng 59%. Đây đều là các chỉ số đáng lo ngại và cần phải theo dõi nhiều hơn. 

Không phải ngẫu nhiên mà đa số chuyên gia y tế tại Anh và trên thế giới đều cho rằng chính phủ Anh đang chơi một “canh bạc” lớn với rủi ro thất bại quá cao.

Giáo sư Neil Ferguson của trường Hoàng gia London, người từng cố vấn cho chính phủ Anh chiến lược phong tỏa đầu năm 2020, đã tính toán rằng nước Anh chắc chắn sẽ ghi nhận khoảng 100.000 ca nhiễm và 1.000 ca nhập viện mỗi ngày trong thời gian tới.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, các con số này có thể tăng gấp đôi, tức lên tới 200.000 ca nhiễm và 2.000 ca nhập viện mỗi ngày.

Trên 1.200 nhà khoa học trên khắp thế giới lại viết thư cho chính phủ Anh vì lo ngại việc nước Anh “thả cửa” sẽ làm sinh sôi các biến thể kháng vaccine còn nguy hiểm hơn biến thể Delta.

Do đó, quyết định của chính phủ Anh chắc chắn là một “canh bạc” lớn nhưng chính phủ nước này đã chấp nhận rủi ro.

Cũng cần phải ghi nhận rằng đây là một đợt thí nghiệm lớn, rất đáng theo dõi cho toàn thế giới vì nếu nước Anh thành công, thì chúng ta có thể tự tin rằng nếu người dân được tiêm vaccine với tỷ lệ lớn thì các nước hoàn toàn có thể sống chung một cách tương đối an toàn với virus.

Còn nếu nước Anh thất bại thì thế giới cũng sẽ rút ra được một bài học kinh nghiệm lớn. Mặc dù rất tranh cãi nhưng đây cũng là một quyết định dũng cảm cần được ghi nhận của chính phủ Anh. 

Bài học điều trị Covid-19 từ Trung Quốc

Trong khi thế giới chưa tìm ra loại thuốc đặc trị chữa Covid-19, một số liệu pháp trong điều trị Covid-19 đang được các nước áp dụng và đem lại hiệu quả nhất định.

Mới đây, Trung Quốc đã tiết lộ các giải pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là người nhiễm biến thể Delta bằng việc kết hợp Đông và Tây y. Đây là kinh nghiệm quý báu trong công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch Covid-19, Trung Quốc đã lần lượt đưa ra 8 phương án điều trị căn bệnh này. Các phương án luôn có sự điều chỉnh về biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh. Phương án cuối cùng được công bố vào tháng 8/2020 và sử dụng cho đến nay.

Trong đó, việc kết hợp giữa Đông - Tây Y để điều trị Covid-19 đã được nước này áp dụng ngay từ những ngày đầu. 13% trong tổng số hơn 42.000 y bác sĩ chi viện cho Vũ Hán và Hồ Bắc là các bác sĩ Đông Y.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tức thời điểm dịch ở Trung Quốc đã lắng xuống, có tới 91,5% người bệnh được điều trị bằng thuốc Đông Y (mà Trung Quốc gọi là Trung Y) với tỷ lệ đạt hiệu quả lên đến trên 90%.

Hơn một năm rưỡi đã trôi qua, song cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có thuốc đặc trị Covid-19. Do vậy, việc kết hợp Đông - Tây Y để điều trị căn bệnh này vẫn được coi là phương án tối ưu.

Ở nước này, khi nói đến thuốc cổ truyền điều trị Covid-19, người ta nghĩ ngay đến “Tam dược Tam phương”, tức 3 loại thuốc và 3 bài thuốc Đông Y.

Trong đó 3 loại thuốc đã được phê duyệt đưa ra thị trường từ tháng 4/2020, còn 3 bài thuốc vừa chính thức được lưu hành vào tháng 3/2021 sau một thời gian thử nghiệm lâm sàng. Trong 3 bài thuốc này có 1 bài thuốc là sự kết hợp của 5 bài thuốc kinh điển có từ thời Đông Hán.

Các bài thuốc này chủ yếu được dùng hỗ trợ với thuốc Tây để nâng cao sức đề kháng và kháng thể, bồi bổ sức khỏe, rút ngày thời gian sốt, ngăn chặn bệnh tình chuyển nặng, ổn định độ bão hòa oxy trong máu và giảm tỷ lệ tử vong...

Khi lần đầu tiên Trung Quốc bùng phát dịch cộng đồng do biến thể Delta ở Quảng Châu, các loại thuốc Đông Y tiếp tục phát huy tác dụng và đến đợt dịch gần đây nhất ở Nam Kinh cũng vậy.

Theo các bác sĩ tham gia điều trị trong đợt dịch ở Quảng Châu, các ca bệnh nặng tại đây chiếm khoảng 15% và thời gian chuyển sang âm tính dài hơn. Tỷ lệ người bệnh sốt cao lên tới 80%. Do tải lượng virus của biến thể Delta khá cao, nên thời gian chuyển nặng của người bệnh cũng rút ngắn chỉ còn chưa đến 4 ngày, thậm chí có trường hợp chỉ trong 24h, trong khi trước kia là từ 7 - 9 ngày.

Ngoài ra, vì Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc, khác với Vũ Hán, Hà Bắc..., khí hậu nóng ẩm, do vậy cần có sự điều chỉnh cho phù hợp, họ đã bổ sung các loại sâm, từ sâm Tây Dương đến sâm Cao Ly, cùng một số loại thuốc khác để thanh nhiệt giải độc và hạ sốt trong trường hợp bệnh nhân sốt cao liên tục 48 tiếng, một tín hiệu quan trọng khi bệnh chuyển nặng.

Theo các chuyên gia nước này, y học cổ truyền Trung Quốc có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả, giảm sự phát triển của các loại triệu chứng từ nhẹ, thông thường đến nặng, nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và thúc đẩy sự phục hồi của cơ thể người bệnh./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh