Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất, các cuộc gặp cấp cao trở nên hiếm hoi, chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất, các cuộc gặp cấp cao trở nên hiếm hoi, chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế.
Mặc dù quy mô không lớn như đối thoại Mỹ - Trung tại Alaska hồi tháng 3 năm nay song bầu không khí của cuộc tiếp xúc lần này cũng căng thẳng không kém khi đại diện hai nước có những tuyên bố thẳng thắn, trực diện vào những vấn đề đang nảy sinh bất đồng giữa hai bên.
Mỹ muốn tạo ra một “hàng rào an toàn” để tránh những hậu quả đáng tiếc trong cuộc đối đầu kéo dài, còn phía Trung Quốc lại đưa ra một danh sách dài những yêu cầu cần Mỹ đáp ứng để “sửa chữa” mối quan hệ song phương.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc hội đàm với giới chức Trung Quốc ở Thiên Tân hôm 26/7. Ảnh: Reuters |
Thông điệp từ Trung Quốc
“Một cuộc hội đàm, hai bản danh sách và ba lằn ranh đỏ” là những gì dư luận Trung Quốc tổng kết cho cuộc gặp tại Thiên Tân lần này giữa các quan chức ngoại giao hai nước Trung Quốc và Mỹ.
Mặc dù Bắc Kinh cho biết hai bên đều đánh giá các cuộc trao đổi diễn ra thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng, nhưng rõ ràng không khí cuộc gặp đã căng thẳng đúng như dự báo.
Việc cả hai bên cùng tranh nhau chứng minh "tôi mới là người ở thế thượng phong" ngay trước cuộc gặp đã báo hiệu điều đó và việc Trung Quốc đưa ra hai bản danh sách chưa từng có tiền lệ cũng không nằm ngoài xu thế này.
Rõ ràng, Bắc Kinh đã thể hiện sự tự tin thấy rõ trong cuộc gặp tại Thiên Tân. Việc đề xuất danh sách là một cách để Trung Quốc thể hiện sự chủ động trong việc định hình quan hệ Trung-Mỹ.
Giờ đây, Trung Quốc đã không còn phản ứng thụ động với các thiết lập chủ đề của Hoa Kỳ, mà chủ động đặt ra các chủ đề để dẫn dắt tiến trình đàm phán. Việc trực diện đề xuất hai danh sách với những vấn đề hết sức cụ thể đối với Mỹ cũng cho thấy một phong cách ngoại giao mới của Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của nước này đã đặt tít cho bài xã luận sáng 27/7 là “Người Trung Quốc đã chán ngấy sự ngạo mạn của Mỹ và không còn cần phải kín đáo”.
Trong đó, khẳng định: “Trong hội đàm Trung - Mỹ tại Thiên Tân lần này, Trung Quốc đã nhanh chóng công khai tuyên bố cứng rắn của Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong, củng cố sự điều chỉnh tư thế quan trọng trong giao thiệp với Mỹ khởi đầu từ đàm phán Anchorage rằng: chúng tôi sẽ không nỗ lực một mình để duy trì không khí dư luận về quan hệ Trung-Mỹ nữa”, rằng Trung Quốc sẽ thôi thể hiện thiện chí trước các cuộc tiếp xúc ngoại giao và sẽ dựa trên những hành động của Mỹ mà đáp trả.
Ông Ngô Tâm Bá, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho rằng, điều này đã cho thấy phong cách mới và trạng thái “bình thường mới” trong ngoại giao với Mỹ của Trung Quốc.
Nói một cách khác, Bắc Kinh đang muốn chứng tỏ cho Washington thấy rằng họ không thể trấn áp, kiềm chế Trung Quốc và Trung Quốc đang không hài lòng và thất vọng với chính sách của Tổng thống Biden đối với mình.
Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Thiên Tân ngày 26/7. (Nguồn: Politico) |
Phản ứng của Mỹ trước hai danh sách được coi là “ranh giới đỏ” của phía Trung Quốc
Hơn 4 tháng sau cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung đầy căng thẳng tại bang Alaska, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman vừa có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại thành phố cảng Thiên Tân, phía Đông Bắc Trung Quốc, trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Tuy vậy, hai bên vẫn có sự khác biệt lớn về quan điểm trên nhiều vấn đề.
Đáng chú ý, Trung Quốc yêu cầu Mỹ trong tương lai phải gỡ bỏ các hạn chế thị thực đối với các thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình họ, cũng như quy định các cơ quan truyền thông của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ phải đăng ký là các phái bộ nước ngoài.
Cũng nằm trong danh sách mà Bắc Kinh gọi là “những việc làm sai trái”, đó là hành động “đàn áp” các công ty Trung Quốc, “quấy rối” các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, và “tấn công” vào các viện Khổng Tử. Bắc Kinh cũng muốn Washington không dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei từ Canada sang Mỹ để xét xử.
Các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi và Bắc Kinh coi phần lớn hành vi của Washington là sự xâm phạm chủ quyền và là nỗ lực để kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Mặc dù các cuộc thảo luận trong ngày 26/7 không gây tranh cãi như cuộc họp vào tháng 3 vừa qua, ông Tạ Phong nói rằng Trung Quốc không hài lòng với cách tiếp cận của Mỹ về chính sách đối ngoại, gọi đó là một “tư duy sai lầm” và “nguy hiểm”.
Ông Tạ Phong cũng chỉ trích người Mỹ mô tả Trung Quốc như một “kẻ thù tưởng tượng” và đổ lỗi cho Mỹ về sự “bế tắc” trong quan hệ song phương.
Trong khi đó, các quan chức Chính quyền Tổng thống Joe Biden mô tả cuộc thảo luận giữa Thứ trưởng Sherman và người đồng cấp Tạ Phong là chuyên nghiệp và chân thành, mặc dù đôi lúc là “cuộc thảo luận khó khăn”.
Bà Sherman nói với ông Tạ Phong rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường khả năng cạnh tranh của chính mình, nhưng không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc.
Còn ông Wilbur Ross, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ, người bị Bắc Kinh áp đặt trừng phạt hôm 23/7, cho biết trong nhiều năm các công ty của Trung Quốc đã vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ, làm xói mòn các biện pháp trừng phạt và thường sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ để tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp của họ. Ông Wilbur Ross tuyên bố điều đó sẽ chấm dứt.
Giới quan sát cũng cho rằng Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang rất chú ý tới các điểm nóng tại Tân Cương và Hong Kong. Do vậy, không chắc những bình luận của ông Tạ Phong sẽ được phái đoàn Mỹ đón nhận và điều này khiến cho việc suy nghĩ lại về chiến lược rộng hơn của Tổng thống Biden đối với châu Á sẽ không được thực hiện.
Mỹ theo đuổi cách tiếp cận mới của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc?
Trong cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần qua của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, một quan chức cấp cao của Chính quyền Tổng thống Biden nói rằng bà Sherman sẽ nhấn mạnh rằng Washinngton không muốn sự cạnh tranh gay gắt và lâu dài đó dẫn đến xung đột.
Quan chức này đồng thời cho biết Mỹ muốn đảm bảo rằng có các rào chắn an toàn và thông số để quản lý quan hệ Mỹ-Trung hiện tồn tại nhiều căng thẳng một cách có trách nhiệm.
Quan chức này cũng nói rằng mọi người cần phải chơi theo cùng một luật và trên một sân chơi bình đẳng. Mục tiêu các cuộc gặp của Thứ trưởng Sherman không phải là đàm phán, mà là một nỗ lực để duy trì kênh liên lạc cấp cao Mỹ-Trung luôn mở.
Đây không phải là một cách tiếp cận mới của Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc, mà là một bước cụ thể hóa mối quan hệ tổng thể của Chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc mà Ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập trong bài phát biểu “chính sách đối ngoại vì người dân Mỹ” ngày 3/3 năm nay.
Theo đó, quan hệ Mỹ-Trung sẽ là “cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối thủ khi buộc phải như vậy”.
Từ quan điểm của Washington, mẫu số chung cho mối quan hệ Mỹ-Trung là sự cần thiết phải can dự với Trung Quốc từ một vị thế mạnh.
Triển vọng đối thoại giữa hai nước trong thời gian tới
Trong phản ứng mới nhất đưa ra chiều 27/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh, không đáng ngạc nhiên khi có sự khác biệt và đối đầu trong ngoại giao.
Trung Quốc và Mỹ đều cho rằng, các cuộc trao đổi diễn ra thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng, cũng như việc duy trì liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ là rất quan trọng. Hai bên cần nhiều hơn các cuộc đối thoại thẳng thắn, chân thành trong tương lai.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng, việc Trung Quốc vạch rõ “lằn ranh đỏ” và đề xuất hai danh sách mặc dù cho thấy nước này đã không còn ảo tưởng rằng quan hệ song phương sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai gần nếu chỉ dựa vào các hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhưng cũng là một cách để Bắc Kinh thể hiện thiện chí trong việc cải thiện quan hệ với Washington.
Bởi theo họ, sự tương tác thẳng thắn như vậy giữa các nhà ngoại giao cấp cao hai nước sẽ giúp ích cho quan hệ về lâu về dài, khi hai bên hiểu rõ đối phương cần gì và giới hạn để không dẫn đến xung đột giữa hai nước là đâu.
Phía Trung Quốc cho rằng, những nội dung đề cập trong cuộc gặp Thiên Tân, đặc biệt là hai danh sách về những vấn đề cụ thể cần phía Mỹ giải quyết, là nhằm thúc đẩy sự phát triển và cải thiện của quan hệ Trung – Mỹ.
Điều đó cũng có thể được lý giải rằng, đây là những điều kiện tiên quyết để có thể dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước trong tương lai gần./.
Theo Bích Thuận, Phạm Huân/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin