Trong 2 ngày qua, các phiên họp của Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự đoàn kết của nhóm trong việc đối phó với các thách thức chung.
Trong 2 ngày qua, các phiên họp của Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự đoàn kết của nhóm trong việc đối phó với các thách thức chung.
Hôm nay (5/5), tại Anh, Ngoại trưởng nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – G7 tiếp tục nhóm họp để chuẩn bị cho cuộc họp Thượng đỉnh của Nhóm vào tháng 6 tới. Đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa các Ngoại trưởng G7 trong 2 năm qua.
Chương trình nghị sự của các cuộc họp đang tập trung vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, sự phục hồi “xanh” sau đại dịch; các vấn đề địa chính trị cấp bách có nguy cơ phá hoại nền dân chủ, tự do và nhân quyền; đề cấp các mối quan hệ với Nga, Trung Quốc và Iran, cũng như cuộc khủng hoảng ở Myanmar, bạo lực ở Ethiopia và các cuộc chiến đang diễn ra ở Syria, Libya…
Hội nghị Ngoại trưởng G7. Ảnh: Reuters |
Nhiều tờ báo phương Tây cho biết, đối phó với Trung Quốc sẽ bao trùm nội dung nghị sự của lần gặp gỡ này. Trên thực tế, các Ngoại trưởng G7 cũng đã dành phiên họp đầu tiên ngày 4/5 để thảo luận về Trung Quốc – quốc gia bị các nước phương Tây cáo buộc đang gia tăng quân sự và ảnh hưởng kinh tế, cũng như sẵn sàng dùng sức ảnh hưởng của mình ở trong nước và nước ngoài làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, mục đích các nước G7 không phải là cố kiềm chế Trung Quốc mà là giữ vững trật tự quốc tế trong nhiều thập kỷ qua.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã bày tỏ “các quan ngại nghiêm trọng” về các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Về mối quan hệ với Nga, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nước này và các đối tác không muốn làm leo thang cẳng thẳng với Nga, ngược lại muốn có quan hệ tốt đẹp và ổn định hơn với quốc gia này. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào cách Tổng thống Vladimir Putin quyết định hành động, bao gồm cả vấn đề Ukraine.
“Tổng thống Biden đã rất rõ ràng, kể cả trước khi ông ấy làm tổng thống, rằng nếu Nga chọn hành động liều lĩnh hoặc hung hăng, chúng tôi sẽ đáp trả. Nhưng chúng tôi không muốn leo thang. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định hơn, dễ đoán hơn”.
Cũng trong ngày họp hôm qua, các Ngoại trưởng G7 tái khẳng định cam kết của nhóm này trong việc hỗ trợ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, thông qua việc thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trên tất cả các phương diện.
Liên quan đến những kỳ vọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vào vai trò dẫn dắt cũng như các khoản đóng góp tài chính thêm của G7 trong cuộc chiến chống đại dịch, tại cuộc họp Ngoại trưởng G7 và các cuộc gặp bên lề, các nước G7 đang thực sự muốn đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến toàn cầu.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 4/5 cho biết nhóm đã tích cực hỗ trợ Ấn Độ - tâm dịch của thế giới hiện nay và sẽ cung cấp các nguồn vaccine dự trữ dư thừa cho các quốc gia khác: “Rõ ràng chúng ta có thể gặp gỡ và thảo luận - đó là một cơ hội tuyệt vời. Chúng ta phải làm gì đó để giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trong đại dịch. Chúng ta cần cung cấp nguồn cung vaccine dư thừa trong nước cho các quốc gia khác”.
Cùng ngày, tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Anh Boris Johnson, hai bên cũng nhấn mạnh nhu cầu triển khai vaccine ở cấp độ toàn cầu, cho rằng đây là chìa khóa để đánh bại đại dịch. Anh, Mỹ khẳng định G7 cần đẩy mạnh nỗ lực tăng cường sản xuất vaccine.
Dự kiến, các vấn đề khác như Myanmar, Libya, cũng như cách phục hồi sau đại dịch Covid-19 sẽ được các Ngoại trưởng G7 thảo luận trong các phiên họp hôm nay, với sự tham dự của các nước khách mời là Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Brunei – quốc gia đang giữa chức chủ tịch ASEAN./.
Theo Đình Nam/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin