EU đã nhấn mạnh tới tính cấp bách của kế hoạch này trong bối cảnh nguồn cung cho một nửa trong số 137 sản phẩm được sử dụng trong các hệ sinh thái nhạy cảm của khối này là từ Trung Quốc.
EU đã nhấn mạnh tới tính cấp bách của kế hoạch này trong bối cảnh nguồn cung cho một nửa trong số 137 sản phẩm được sử dụng trong các hệ sinh thái nhạy cảm của khối này là từ Trung Quốc.
Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết chiến lược công nghiệp cập nhật nhằm bảo đảm cho mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế của khối theo hướng xanh và kỹ thuật số. (Nguồn: GettyImages) |
Ngày 5/5, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các nhà cung cấp nước ngoài khác trong 6 lĩnh vực chiến lược, trong đó có nguyên liệu thô, thành phần dược phẩm và chất bán dẫn.
Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh tới tính cấp bách của kế hoạch này trong bối cảnh nguồn cung cho một nửa trong số 137 sản phẩm được sử dụng trong các hệ sinh thái nhạy cảm của khối này là từ Trung Quốc, chủ yếu là nguyên liệu thô, thuốc và các sản phẩm khác đóng vai trò quan trọng trong các mục tiêu “năng lượng xanh” và kỹ thuật số của Liên minh châu Âu.
Kế hoạch chiến lược công nghiệp cập nhật này được đưa ra sau khi đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu, dự định thực hiện đánh giá sâu rộng về chuỗi cung ứng đối với nguyên liệu thô, nguyên liệu dược phẩm, chất bán dẫn, pin, hydro, công nghệ đám mây và công nghệ mũi nhọn trước khi đưa ra quyết định về các biện pháp thích hợp.
Phát biểu họp báo, Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết chiến lược công nghiệp cập nhật nhằm bảo đảm cho mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế của khối theo hướng xanh và kỹ thuật số.
Các biện pháp của Liên minh châu Âu có thể bao gồm "đa dạng hóa ngay khi có thể nguồn cung và cầu đang phụ thuộc vào các đối tác thương mại khác nhau, đồng thời phải bảo đảm năng lực dự trữ và hành động độc lập khi cần thiết."
Để giảm sự phụ thuộc, các nước thành viên Liên minh châu Âu có thể sẽ huy động nguồn lực cho Các dự án quan trọng vì lợi ích chung châu Âu (IPCEI) trong lĩnh vực công nghệ đám mây thế hệ mới, ngành công nghiệp carbon thấp, dược phẩm…
Một IPCEI sẽ cho phép chính phủ các nước Liên minh châu Âu tăng vốn dựa trên những quy định viện trợ đơn giản hơn và tạo điều kiện cho các công ty phối hợp trong toàn bộ phạm vi của dự án, từ thiết kế cho đến sản xuất và ứng dụng hạ nguồn./.
Theo Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin