Báo Đức lý giải nguyên nhân Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư

08:05, 03/05/2021

Finanzen.net cho biết Việt Nam vẫn có thể kiềm chế đại dịch sớm hơn nhiều nước phát triển và nền kinh tế tiếp tục được củng cố nhờ xuất khẩu hàng điện tử và dệt may duy trì đà tăng trưởng.

Finanzen.net cho biết Việt Nam vẫn có thể kiềm chế đại dịch sớm hơn nhiều nước phát triển và nền kinh tế tiếp tục được củng cố nhờ xuất khẩu hàng điện tử và dệt may duy trì đà tăng trưởng.

Sản xuất linh kiện điện, điện tử tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn linh kiện tự động Minda Việt Nam (vốn đầu tư của Ấn Độ) tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sản xuất linh kiện điện, điện tử tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn linh kiện tự động Minda Việt Nam (vốn đầu tư của Ấn Độ) tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trang tin Finanzen.net của Đức vừa đăng bài viết đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam bất chấp đại dịch COVID-19, đồng thời lý giải nguyên nhân tại sao Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

Bài báo cho biết Việt Nam đã nổi lên mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19. Với dân số cao ở mức 95 triệu người, Việt Nam vẫn có thể kiềm chế đại dịch sớm hơn nhiều nước phát triển, trong khi chỉ có rất ít ca tử vong được ghi nhận cho tới nay.

Báo trên dẫn phân tích của ông James Johnstone, chuyên gia và quản lý quỹ thị trường cận biên (có tên Quỹ Các thị trường mới nổi thế hệ tiếp theo RWC) của tập đoàn RWC Partners cho biết từ năm 2010, Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi thành công từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế linh hoạt dựa trên sản xuất và dịch vụ.

Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ xuất khẩu hàng điện tử và dệt may duy trì đà tăng trưởng.

Theo chuyên gia Johnstone, có nhiều lý do để đưa Việt Nam vào quỹ thị trường cận biên. Trong năm 2020, điện thoại thông minh và các linh kiện thay thế chiếm tới 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là máy tính 15,8% và hàng dệt may 10,5%.

Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế hiện nay của Việt Nam còn nằm ở ngành du lịch, bởi có tới trên 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được tạo ra từ các ngành dịch vụ, trong đó có khách sạn, nhà hàng và vận tải.

Trong năm 2020, mặc dù những hạn chế về đi lại và việc đóng cửa biên giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, song Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi nhanh hơn so với các nước trong khu vực.

Điều này chủ yếu đạt được nhờ lượng du khách nội địa và xu hướng này sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành du lịch trong nước trong bối cảnh sự phục hồi du lịch quốc tế tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch.

Năm 2007, du lịch mới chỉ đóng góp 4,5% cho GDP của Việt Nam và đến năm 2019, tỷ trọng của ngành du lịch đã tăng lên 12,5% GDP. Có được điều này là do phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào du lịch, sau các ngành công nghiệp nặng và phát triển đô thị.

Trong năm 2019, du lịch Việt Nam đã thu hút 18 triệu lượt du khách quốc tế, trong khi năm 2000 con số này mới chỉ là 2,1 triệu lượt.

Cùng với khoảng 85 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam đạt doanh thu tổng cộng 30 tỷ USD trong năm 2019. Với mức tăng 16,2% so với năm trước đó, 2019 được coi là một trong những năm đạt tăng trưởng mạnh nhất của du lịch Việt Nam cho tới nay.

Du khách phải thực hiện đeo khẩu, xịt nước sát khuẩn trước khi vào khu du lịch Núi Thần Tài ở Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)
Du khách phải thực hiện đeo khẩu, xịt nước sát khuẩn trước khi vào khu du lịch Núi Thần Tài ở Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo chuyên gia Johnstone, trong năm 2019, ngành du lịch phần lớn được hỗ trợ nhờ khả năng tiếp cận và khả năng chi trả tốt hơn của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng sân bay được cải thiện đã tạo tiền đề cho thị trường hàng không Việt Nam phát triển hơn nữa. Cơ sở hạ tầng hàng không là "chìa khóa" cho sự mở rộng thành công của các hãng hàng không cũng như tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng du lịch.

Ngoài hai sân bay quan trọng là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, Việt Nam cũng đã phê duyệt và đang xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, một sân bay quốc tế lớn ở Đồng Nai, gần Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.

Chuyên gia Johnstone đánh giá việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển, qua đó giúp du khách có được nhiều trải nghiệm hơn.

Chẳng hạn, trước đây thường phải mất từ 4-5 giờ đồng hồ để di chuyển từ Hà Nội đến Vịnh Hạ Long thì việc xây dựng một đường quốc lộ từ năm 2018 đã rút ngắn thời gian di chuyển xuống dưới hai giờ.

Chính quyền tỉnh Đồng Nai có kế hoạch xây dựng 5 tuyến đường mới dẫn vào sân bay quốc tế Long Thành, với tổng số vốn xây dựng trị giá 14 tỷ USD. Do vị trí địa lý của Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, đường hàng không thường được ưa thích hơn, song việc cải thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của ngành vận tải và các ngành dịch vụ khác.

Sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ trong nước và khu vực cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam.

Đối với du khách quốc tế, Việt Nam có vị trí thuận lợi ở khu vực Đông Nam Á, nơi các hãng hàng không có máy bay thân hẹp từ Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh có thể bay đến hầu hết các địa điểm quan trọng ở Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ trong khoảng 5 giờ đồng hồ./.

Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh