Tình trạng thiếu vaccine ngừa Covid-19 tấn công các nước nghèo

10:04, 12/04/2021

Trong khi Mỹ và một số nước phát triển đã hoàn thành hoặc bắt đầu tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 2, thì hàng chục quốc gia nghèo trên thế giới vẫn chưa thể và thậm chí còn bị đình trệ ngay từ những mũi tiêm đầu tiên.

 

 Ảnh minh họa: DW
Ảnh minh họa: DW

Trong khi Mỹ và một số nước phát triển đã hoàn thành hoặc bắt đầu tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 2, thì hàng chục quốc gia nghèo trên thế giới vẫn chưa thể và thậm chí còn bị đình trệ ngay từ những mũi tiêm đầu tiên.

Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX trong tuần qua đã vận chuyển hơn 25.000 liều vaccine Covid-19 tới các nước thu nhập thấp. Tuy nhiên việc giao hàng đã tạm dừng kể từ ngày 12/4 do thiếu nguồn cung. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), chỉ trong 2 tuần qua, tổng cộng chưa đến 2 triệu liều vaccine theo cơ chế COVAX được thông quan để vận chuyển đến 92 quốc gia đang phát triển, tương đương với số liều được tiêm ở Anh.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã bày tỏ “thực sự bị sốc” trước tình trạng mất cân bằng trong tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn cầu:

“Vẫn còn một sự mất cân bằng đáng kinh ngạc trong việc phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Tính trung bình, ở các nước có thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người đã được tiêm chủng. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, con số này là 1 trong hơn 500 người. Hãy để tôi nhắc lại sự chênh lệch: 1/4 so với 1/500”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung là quyết định của Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên cho nhu cầu trong nước trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại nước này đang gia tăng chóng mặt.

ADVERTISEMENT

Những loại vaccine được phân phối theo cơ chế COVAX đều là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép. Tuy nhiên, tất cả chỉ như muối bỏ biển và các quốc gia ngày càng mất kiên nhẫn. Trong khi nguồn cung đang dần cạn kiệt ở một số quốc gia đầu tiên nhận được các lô hàng của COVAX, thì việc cung cấp liều thứ 2 dự kiến trong khoảng thời gian 12 tuần theo khuyến nghị lại không chắc chắn.

Giám đốc điều hành của Liên minh Gavi, một đối tác trong cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu Seth Berkley cảnh báo, có tới 60 quốc gia, bao gồm một số quốc gia nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ này.

“Thách thức lớn hiện nay là sự bất bình đẳng về tiếp cận vắc-xin giữa những nước phát triển với những nước đang phát triển. Chúng ta chỉ an toàn nếu mọi người đều an toàn và điều này càng trở nên rõ ràng khi ngày càng có nhiều biến thể mới xuất hiện. Nếu chúng ta có một quần thể lớn không được tiêm chủng thì nguy cơ cao chúng ta sẽ chứng kiến các biến thể mới xuất hiện và tiếp tục lây lan trên toàn thế giới”, ông Berkley nói.

Những tài liều  nội bộ của Tổ chức Y tế thế giới mà hãng tin AP thu thập được cho thấy, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ những nước tham gia COVAX về việc phân bổ cũng như sự không chắc chắn rằng liệu tất cả những người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên có nhận được mũi thứ 2 hay không. Cùng với đó, những lo ngại về mối liên hệ giữa mũi tiêm AstraZeneca và các cục máu đông hiếm gặp cũng tạo ra sự lo lắng về tình an toàn và hiệu quả của vaccine. Trong số các giải pháp được đề xuất là đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho các vaccine của Trung Quốc và Nga.

Tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới cho biết có thể bật đèn xanh cho các loại vaccine của Trung Quốc vào cuối tháng 4. Cho đến nay, các quốc gia đã cam kết hàng trăm triệu USD cho COVAX. Tuy nhiên vấn đề là không có vaccine để mua, và không quốc gia nào đồng ý chia sẻ ngay lập tức những gì họ có./.

Theo Thu Hoài/VOV

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh