Philippines đối mặt nguy cơ 'sóng thần' COVID-19 như Ấn Độ

12:04, 28/04/2021

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng Philippines có thể phải đối mặt cơn "sóng thần" lây nhiễm COVID-19 như đang nhấn chìm Ấn Độ trong tháng này.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng Philippines có thể phải đối mặt cơn “sóng thần” lây nhiễm COVID-19 như đang nhấn chìm Ấn Độ trong tháng này.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân thở máy tại Quezon City, Philippines. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân thở máy tại Quezon City, Philippines. Ảnh: Reuters

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin bệnh nhân COVID-19 tràn ra hành lang bệnh viện ở các khu vực của thủ đô Manila khi tổng số ca nhiễm trên toàn quốc vượt qua mốc 1 triệu người.

Tiến sĩ Rodrigo Ong thuộc nhóm nghiên cứu độc lập OCTA - chuyên đưa ra các dự báo về sự lây lan của virus SARS-COV-2, cho biết Philippines đang ở "cùng thời điểm" khoảng 10.000 ca nhiễm mỗi ngày mà Ấn Độ đã trải qua, khi các nhà chức trách ở đó quyết định dỡ bỏ hạn chế với các cuộc tụ tập lớn vì cho rằng virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát.

Ông Rodrigo Ong cho rằng tình hình dịch bệnh ở Philippines đang ở trong "sự cân bằng mong manh", với hơn 80% giường bệnh của đất nước đã được sử dụng.

“Khi bước vào cuối tháng 4 và khả năng nới lỏng hơn nữa các hạn chế kiểm dịch, sự cân bằng mong manh này có thể lấn át hoàn toàn năng lực chăm sóc sức khỏe”, Tiến sĩ Ong cảnh báo.

Các bệnh nhân được điều trị bên ngoài một bệnh viện công ở thành phố Quezon, nơi vừa thông báo tình trạng quá tải ngày 26/4. Ảnh: Reuters
Các bệnh nhân được điều trị bên ngoài một bệnh viện công ở thành phố Quezon, nơi vừa thông báo tình trạng quá tải ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines, nước này đã ghi nhận 7.204 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào ngày 27/4, giảm khá mạnh so với mức 15.310 ca hôm 2/4.

Nhưng tổ chức OCTA Research đang kêu gọi duy trì các hạn chế tương tự phong toả, được Philippines gọi là lệnh kiểm dịch cộng đồng, để giảm hơn nữa tỉ lệ lây nhiễm mới, qua đó giảm bớt áp lực lên các bệnh viện và y bác sĩ.

Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu cố vấn cho lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của chính phủ, phát biểu với chương trình This Week In Asia rằng các hạn chế có thể không đủ để kiềm chế sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm vì tiêm chủng mới thực sự là “viên đạn bạc".

 “Ngay cả khi chúng ta duy trì các đợt phong toả nghiêm ngặt thì cuộc khủng hoảng vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn với các biến thể mới”, ông Leachon nói, ám chỉ đến các chủng COVID-19 đột biến đã xuất hiện ở Anh, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ và nhiều nơi khác.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết chính phủ của ông đã mua đủ vaccine để tiêm chủng cho 70 triệu người - con số cần thiết để đạt được cái gọi là miễn dịch cộng đồng- nhưng theo ông Leachon, một phần nhiều lượng vaccine này sẽ chỉ đến Philippines sớm nhất vào cuối năm nay. Trong khi đó, cho đến nay, mới chỉ có 1,7 triệu người Philippines được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Bên cạnh vấn đề tiêm chủng, ông Leachon cho biết chính phủ đã không thực hiện đủ các xét nghiệm, truy dấu hoặc cách ly những người bị nhiễm bệnh.

Ông cũng chỉ trích Bộ Y tế vì đã trì hoãn lệnh cấm du khách đến từ Ấn Độ đến tận tối 27/4 mới công bố, với lý do rằng "biến thể Ấn Độ" vẫn chưa được phát hiện tại địa phương.

Đáp lại, các quan chức ở Philippines đã nhanh chóng bảo vệ cho việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế, chỉ ra rằng tình hình ở các nước khác còn tồi tệ hơn nhiều.

Tuy nhiên, chắc chắn đã có "một số sai sót", như bác sĩ Edsel Maurice Salvana - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - nói với lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Tổng thống Duterte vào ngày 21/4, khi thảo luận về việc sàng lọc người lao động Philippines ở nước ngoài (OFWs) về nước.

Salvana, một nhà sinh học phân tử và cố vấn lực lượng đặc nhiệm COVID-19, đã cảnh báo Tổng thống Duterte cần bác bỏ đề xuất tiết kiệm tiền của Bộ trưởng Lao động Silvestre Bello III về việc xét nghiệm các OFW ngay sau khi họ trở về và cắt thời gian cách ly xuống còn 5 ngày nếu kết quả xét nghiệm của những người này là âm tính.

“Nếu ai đó bị nhiễm bệnh khi quá cảnh, trên máy bay, thì nếu được xét nghiệm khi đến nơi, xét nghiệm đó sẽ không cho kết quả dương tính vì thường phải mất 3-5 ngày sau khi tiếp xúc mầm bệnh”, ông Salvana nói, "Nhưng dựa trên dữ liệu của Bộ Y tế… vẫn có khoảng 40% người có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày thứ bảy sau khi đến.”

Ông Salvana đề xuất rằng nếu các OFW vẫn không có triệu chứng trong thời gian cách ly 10 ngày, việc kiểm tra có thể được miễn và họ có thể về nhà, cách ly hàng tuần để theo dõi phản ứng với các biến thể virus mới. 

Vào tháng 12/2020, một người lao động nước ngoài trở về Philippines từ Anh được Bộ Y tế phát hiện đã lây nhiễm cho 42 người với biến thể B117 lần đầu tiên xuất hiện ở Anh. Những người này đều có xét nghiệm âm tính với COVID-19 một ngày sau khi đến.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh